Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhận định, qua 6 tháng, mặc dù Việt Nam đạt được tăng trưởng tích cực nhưng tình hình kinh tế nước ta nhìn chung gặp nhiều khó khăn. Dự báo thời gian tới, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, Việt Nam tiếp tục phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức.
"Chúng ta đang ở thời điểm phải tháo gỡ những khó khăn để thúc đẩy tăng trưởng năm 2020 cao nhất có thể, có thể hoàn thành mức cao của kế hoạch 5 năm, tạo đà cho năm 2021 và các năm tiếp theo. Ngành Kế hoạch và Đầu tư phải tập trung cao độ để nghiên cứu, tham mưu những chính sách đủ mạnh để thu hút đầu tư phát triển, giải phóng nguồn lực", người đứng đầu ngành Kế hoạch và Đầu tư khẳng định.
Ông Nguyễn Chí Dũng cũng nhấn mạnh sự cần thiết của việc đảm bảo lập kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 đạt chất lượng tốt nhất.
Tại hội nghị, trình bày tham luận về vấn đề lập kế hoạch đầu tư công trung hạn, Vụ trưởng Vụ Kinh tế địa phương và lãnh thổ Trần Duy Đông cho biết, dự kiến trong tháng 8-2020, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ triển khai các Hội nghị xây dựng kế hoạch trung hạn 2021-2025 (lồng ghép với kế hoạch 2021) với các địa phương theo 3 vùng; trường hợp cần thiết sẽ tổ chức làm việc với một số địa phương trọng điểm. Các nội dung cụ thể, kiến nghị, đề xuất của từng địa phương sẽ được thảo luận, chia sẻ tại các hội nghị này.
Vụ trưởng Trần Duy Đông đề nghị các địa phương trong các tháng cuối năm chủ động hoàn thiện các thủ tục đầu tư, đẩy nhanh tiến độ giao bổ sung kế hoạch 2016-2020 và kế hoạch 2020, đồng thời triển khai hiệu quả các giải pháp, chính sách tăng cường giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng cuối năm.
“Vừa qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ động tổ chức 2 đoàn kiểm tra, thúc đẩy giải ngân tại các tỉnh vùng kinh tế trọng điểm miền Trung (Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên) và các tỉnh Bắc Trung Bộ (Thanh Hóa, Nghệ An). Thời gian tới, theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục tổ chức đi công tác tại một số tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long để kiểm tra, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh và thúc đẩy giải ngân”, ông Trần Duy Đông thông tin.
Liên quan đến công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật và hội nhập, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Trần Hào Hùng cho biết, trong số 10 đạo luật được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 9, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì xây dựng 3 đạo luật quan trọng, thiết yếu đối với môi trường đầu tư, kinh doanh là Luật Đầu tư (sửa đổi), Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) và Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư.
Bộ cũng đã trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành 3 nghị quyết; trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành 19 nghị định, nghị quyết, quyết định và ban hành theo thẩm quyền 4 thông tư.
Bên cạnh đó, Bộ đã tiếp tục thực hiện các giải pháp đồng bộ nhằm tháo gỡ vướng mắc trong quá trình áp dụng pháp luật về đầu tư, kinh doanh, bảo đảm thi hành có hiệu quả Luật Đầu tư công, Luật Quy hoạch, Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Trong những tháng cuối năm 2020, ông Trần Hào Hùng cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ khẩn trương xây dựng, trình Chính phủ ban hành các Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành 3 Luật đã được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 9 (gồm 11/15 Nghị định chủ trì soạn thảo) theo đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng để các luật này được thi hành đầy đủ từ ngày 1-1-2021. Đồng thời sẽ tiếp tục rà soát các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh và đề xuất phương án hoàn thiện nhằm bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, minh bạch của môi trường kinh doanh.
Một nhiệm vụ quan trọng khác, theo ông Hùng, là xây dựng, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt chương trình, kế hoạch thực hiện nghị quyết của Quốc hội phê chuẩn Hiệp định bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu; Nghị quyết của Quốc hội về công nhận và cho thi hành phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp theo Hiệp định bảo hộ đầu tư Việt Nam - Liên minh châu Âu.
Cũng liên quan đến hoàn thiện thể chế pháp luật, Vụ trưởng Vụ Quản lý quy hoạch Đinh Trọng Thắng cho biết, sắp tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục báo cáo Chính phủ xem xét, ban hành Nghị quyết về phương án phân vùng giai đoạn 2021-2030 để làm cơ sở cho việc triển khai lập quy hoạch vùng kỳ 2021-2030; tổ chức thẩm định đối với các Hồ sơ trình thẩm định quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030 của một số địa phương đã hoàn thành dự thảo quy hoạch tỉnh (Hà Tĩnh và Quảng Bình); đôn đốc và hướng dẫn các địa phương hoàn thiện hồ sơ quy hoạch sau thẩm định để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tỉnh.