
(SGGPO).- Ngày 11-6, Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội và Báo Hànộimới tổ chức tạo đàm trực tuyến “Trách nhiệm xã hội của báo chí trong thời đại thông tin” với sự tham gia của đại diện lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông cùng các cơ quan thông tấn, báo chí, ban ngành của thành phố Hà Nội (ảnh).

Phát biểu tại buổi tọa đàm, nhà báo Hồ Quang Lợi, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh: Những đóng góp to lớn, quan trọng của báo chí, các thế hệ làm báo Việt Nam đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ tổ quốc được nhân dân và Tổ quốc ghi nhận. Tuy nhiên, bên cạnh ưu điểm, thành tựu, trong thực tiễn lao động báo chí cũng đã xuất hiện nhiều tồn tại, thiếu sót, trong đó đáng lo ngại nhất là tình trạng vi phạm đạo đức nghề nghiệp, ảnh hưởng không nhỏ đến việc thực hiện trách nhiệm xã hội của báo chí. Vì vậy nội dung của tọa đàm tập trung làm rõ trách nhiệm xã hội báo chí là cái gì? Cần được hiểu như thế nào, thể hiện trên thực tế lao động báo chí ra sao? Gắn với đạo đức nghề báo như thế nào?
Chia sẻ về nội dung này ông Hoàng Hữu Lượng, Cục trưởng Cục Xuất bản Báo chí, Bộ Thông tin -Truyền thông cho rằng: Người dân đang đứng trước thách thức là thị trường thông tin quá nhiều, vì thế trách nhiệm của báo chí hiện nay là thông tin phải chính xác, phù hợp với lợi ích của đất nước. Đừng lấy cái cá biệt biến thành cái phổ biến. Vai trò của báo là tham gia cải tạo xã hội với trách nhiệm tự thân. Về mặt đưa tin cần cân nhắc kỹ từ việc cung cấp thông tin và định hướng thông tin.
Theo PGS-TS Phạm Xuân Hằng, nguyên Trưởng Ban Tuyên Giáo Thành ủy Hà Nội, trong thời đại bùng nổ thông tin như hiện nay, nếu như trách nhiệm xã hội của báo chí không được đề cao, quan tâm, dẫn đến hệ lụy là làm cho dư luận xã hội không được định hướng, rối loạn. Phải có sự phối hợp và trách nhiệm xã hội chính trị của chính quyền và các tổ chức liên quan thì nhà báo mới hoàn thành bổn phận của mình. “Chúng ta cần đảm bảo tính thông tin minh bạch, nhóm phóng viên muốn xuống cơ sở lấy thông tin mà gặp phải đội ngũ cán bộ cơ sở của các cơ quan trốn tránh thông tin, sẽ làm thông tin nguội, mất tính thời sự…”- ông Hằng nói.
Cũng tại cuộc tọa đàm, đại diện các cơ quan, ban ngành chức năng đã có những trao đổi khá cởi mở, giải đáp câu hỏi của bạn đọc cũng như các nhà báo xung quanh các vấn đề về trách nhiệm xã hội của báo chí trong “thế giới phẳng” như: Trách nhiệm của các cơ quan quản lý báo chí, truyền thông trong hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng về lĩnh vực tư tưởng, lý luận báo chí, xuất bản và các giải pháp tăng cường sự quản lý của Đảng đối với báo chí; các cơ quan, ban ngành như Giao thông-Vận tải, Tài nguyên-Môi trường đã có sự phối hợp với các cơ quan báo chí, truyền thông trong công tác tuyên truyền cũng như tạo điều kiện để báo chí thực hiện trách nhiệm xã hội trên địa bàn Hà Nội…
Tọa đàm cũng là dịp để những người làm báo nhìn lại chính mình, không ngừng tiếp tục phấn đấu phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang của nền báo chí cách mạng, đóng góp nhiều hơn nữa vào công cuộc đổi mới xây dựng và phát triển đất nước.
MAI AN