Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Công đoàn phải đặt câu hỏi: Người lao động vào công đoàn để làm gì?”

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu vấn đề: Mỗi cán bộ công đoàn phải luôn luôn tự đặt ra cho mình câu hỏi và trả lời: Người lao động vào tổ chức công đoàn để làm gì, có quyền lợi gì? Đằng sau câu hỏi đó phải là nỗ lực của tổ chức công đoàn, của cán bộ công đoàn để thực sự mang lại quyền lợi, niềm tin cho người lao động.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo tại Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam sáng 2-12. Ảnh: NGUYỄN HẢI

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo tại Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam sáng 2-12. Ảnh: NGUYỄN HẢI


Sáng 2-12, phát biểu tại phiên trọng thể Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, nhiệm kỳ 2023-2028, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, đây là sự kiện quan trọng trong đời sống chính trị của giai cấp công nhân, người lao động và tổ chức Công đoàn Việt Nam.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tham dự Đoàn Chủ tịch điều hành Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam. Ảnh: QUANG PHÚC

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tham dự Đoàn Chủ tịch điều hành Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam. Ảnh: QUANG PHÚC


Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gửi tới toàn thể cán bộ đảng viên, công nhân viên chức, người lao động cả nước lời chào thân ái, lời thăm hỏi chân tình và lời chúc mừng tốt đẹp nhất, chúc đại hội thành công tốt đẹp.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, Công đoàn Việt Nam là một tổ chức chính trị - xã hội của giai cấp công nhân và người lao động do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, được thành lập trên cơ sở tự nguyện, đại diện cho người lao động, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động.

Trải qua hơn 94 năm xây dựng, hoạt động, trưởng thành và phát triển, chúng ta có quyền tự hào và khẳng định rằng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Công đoàn Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh, tuyệt đối trung thành với Đảng và giai cấp, có những đóng góp xứng đáng vào thắng lợi vĩ đại của cách mạng, góp phần xây dựng giai cấp công nhân ngày càng lớn mạnh.

Trong giai đoạn đất nước đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế toàn diện, vai trò, vị thế của tổ chức công đoàn càng được khẳng định, phát huy mạnh mẽ hơn bao giờ hết.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bắt tay, chúc mừng các đại biểu dự Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam. Ảnh: QUANG PHÚC

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bắt tay, chúc mừng các đại biểu dự Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam. Ảnh: QUANG PHÚC


Tổng Bí thư nêu rõ, nhiệm kỳ 2018-2023 vừa qua, hoạt động của tổ chức công đoàn và đoàn viên, người lao động diễn ra trong bối cảnh có nhiều đặc biệt. Những năm đầu của nhiệm kỳ, các cấp công đoàn đã triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Công đoàn Việt Nam có nhiều thuận lợi. Trong đó kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, tốc độ tăng trưởng khá.

Tuy nhiên, từ đầu năm 2020, đại dịch Covid-19 bùng phát, cùng tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, xung đột vũ trang xảy ra ở nhiều nơi, sự suy giảm kinh tế thương mại và lạm phát toàn cầu đã ảnh hưởng trực tiếp đến việc làm, thu nhập, đời sống của đoàn viên, người lao động và hoạt động của công đoàn.

Vào cuối nhiệm kỳ, tình trạng thiếu việc làm của người lao động diễn ra trên diện rộng, số người lao động phải rời các doanh nghiệp về quê hoặc chuyển sang khu vực phi chính thức tăng nhanh.

Trong bối cảnh đó, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, giải pháp đúng đắn, quyết liệt, duy trì việc làm, bảo đảm thu nhập, giảm thiểu khó khăn cho người lao động.

Đặc biệt, ngày 12-6-2021, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 02-NQ/TW về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới. Từ đó, tạo cơ sở chính trị vững chắc để đổi mới tổ chức và hoạt động công đoàn, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo tại đại hội. Ảnh: QUANG PHÚC

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo tại đại hội. Ảnh: QUANG PHÚC

Tổng Bí thư nhấn mạnh, quán triệt các Nghị quyết Đại hội của Đảng, thực hiện Nghị quyết Đại hội XII Công đoàn Việt Nam, các cấp công đoàn cả nước đã vượt qua mọi khó khăn, đổi mới sáng tạo, triển khai toàn diện có trọng tâm trọng điểm các lĩnh vực công tác, cơ bản đã hoàn thành các mục tiêu chủ yếu đề ra.

Ngay sau Đại hội XII Công đoàn Việt Nam, Đoàn chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam đã tổ chức tuyên truyền học tập, quán triệt, xây dựng các chương trình thực hiện nghị quyết, tập trung thực hiện 3 khâu đột phá và các nhiệm vụ trọng tâm, tạo chuyển biến mới trong hoạt động công đoàn.

Các hoạt động công đoàn đã hướng mạnh về cơ sở, mở rộng và đầu tư nhiều hơn cho khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước, tập trung hoạt động chăm lo, đại diện bảo vệ quyền lợi đoàn viên, người lao động.

Với việc không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, các cấp công đoàn tiếp tục khẳng định được vị thế, vai trò vững chắc trong lòng đoàn viên, người lao động, nhất là trong giai đoạn ứng phó đại dịch Covid-19.

Mô hình tổ chức bộ máy của công đoàn ngày càng được hoàn thiện, chất lượng đội ngũ cán bộ công đoàn từng bước được nâng cao, trên khắp các lĩnh vực đã xuất hiện nhiều tấm gương điển hình tiên tiến, công nhân viên chức lao động đi đầu và thành công trong lao động, sản xuất, kinh doanh, khẳng định vai trò của công đoàn trong hệ thống chính trị, tô thắm thêm cho truyền thống vẻ vang của công đoàn.

Những thành tựu đó không chỉ là kết quả của nỗ lực phấn đấu của một số người mà là của toàn bộ cán bộ, công nhân lao động, của tổ chức công đoàn, là minh chứng khẳng định vai trò, vị trí to lớn của giai cấp công nhân và tổ chức công đoàn trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Tổng Bí thư nhiệt liệt hoan nghênh, chúc mừng biểu dương và đánh giá cao những nỗ lực, thành tích, tiến bộ của phong trào công nhân và hoạt động công đoàn cả nước trong nhiệm kỳ vừa qua.

Tổng Bí thư yêu cầu tổ chức Công đoàn Việt Nam phải thực sự mang lại quyền lợi, niềm tin cho người lao động. Ảnh: QUANG PHÚC

Tổng Bí thư yêu cầu tổ chức Công đoàn Việt Nam phải thực sự mang lại quyền lợi, niềm tin cho người lao động. Ảnh: QUANG PHÚC

Bên cạnh đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng nêu ra một số yêu cầu, chỉ đạo đối với tổ chức Công đoàn Việt Nam trong nhiệm kỳ mới, trong tình hình mới. Tổng Bí thư yêu cầu Công đoàn Việt Nam đổi mới, đa dạng các hình thức vận động, tuyên truyền, giáo dục; cùng đi sâu sát, chia sẻ với đoàn viên lao động.

Công đoàn phải giúp mỗi đoàn viên lao động hiểu sâu sắc hơn về Đảng, chế độ, giai cấp, tổ chức công đoàn, trách nhiệm công dân; tích cực tham gia các phong trào thi đua để đóng góp cho sự phát triển của từng cơ quan, đơn vị và đất nước. Từ đó, nâng cao đời sống và thu nhập của mình và gia đình mình.

Tiếp tục khẳng định nhất quán quan điểm xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đi từ sản xuất nhỏ lên thẳng sản xuất lớn với năng suất ngày càng cao hơn, Tổng Bí thư yêu cầu các cấp công đoàn phải khẳng định được vai trò đại diện cho người lao động, chăm lo và bảo vệ lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.

“Mỗi cán bộ công đoàn phải luôn luôn tự đặt ra cho mình câu hỏi và trả lời: Người lao động vào tổ chức công đoàn để làm gì, có quyền lợi gì và có khó khăn gì không, có bị chịu thiệt gì không?”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đặt vấn đề, đồng thời cho rằng, phải chăng đó là cơ hội để người lao động được học tập và rèn luyện, được trưởng thành và gửi gắm tâm tư, nguyện vọng, tình cảm và gắn bó quyền lợi của mình với công đoàn, tin tưởng công đoàn sẽ đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền lợi cho mình…

Tổng Bí thư nhấn mạnh: “Đằng sau câu hỏi đó phải là nỗ lực của tổ chức công đoàn, của cán bộ công đoàn để thực sự mang lại quyền lợi, niềm tin cho người lao động”.

Tin cùng chuyên mục