Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Nhốt” quyền lực vào trong lồng cơ chế, pháp luật

Ngày 17-10, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các thành viên đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội, đơn vị bầu cử số 1 đã tiếp xúc cử tri hai quận Ba Đình và Hoàn Kiếm để chuẩn bị cho kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV sẽ khai mạc tại Hà Nội vào ngày 20-10 tới.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Nhốt” quyền lực vào trong lồng cơ chế, pháp luật

(SGGP).- Ngày 17-10, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các thành viên đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội, đơn vị bầu cử số 1 đã tiếp xúc cử tri hai quận Ba Đình và Hoàn Kiếm để chuẩn bị cho kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV sẽ khai mạc tại Hà Nội vào ngày 20-10 tới.

Tại buổi tiếp xúc, các cử tri hoan nghênh những kết quả của Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII vừa qua, trong đó có nội dung tiếp tục xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn sự suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống, chống các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Các cử tri cho rằng xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong tình hình hiện nay là rất quan trọng và cần thiết bởi nó liên quan trực tiếp tới sự tồn vong của Đảng, của chế độ. Do vậy phải quyết liệt, có biện pháp căn cơ, bài bản. Cử tri đề nghị phải có những đổi mới mạnh về công tác tổ chức, cán bộ để chọn được những người tài vào làm việc trong chính quyền, không để xảy ra tình trạng “thứ nhất hậu duệ, thứ nhì ngoại tệ, thứ ba quan hệ, thứ tư mới đến trí tuệ, và thứ năm là ngoại lệ”.

Bên cạnh đó, một số cử tri bày tỏ lo lắng về tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản khi xây dựng nông thôn mới; đề nghị cần có những giải pháp tổng thể để nâng cao đời sống nông dân một cách bền vững như ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp; đầu tư chế biến, bảo quản nông sản để nâng cao giá trị các mặt hàng nông sản; gắn xây dựng nông thôn mới với bảo vệ môi trường...

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp xúc cử tri quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) ngày 17-10

Phát biểu với cử tri, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trân trọng tiếp thu những ý kiến, kiến nghị của cử tri, đều là những vấn đề đang được dư luận xã hội rất quan tâm.

Tổng Bí thư cho biết, Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng Đảng, chống suy thoái về đạo đức, tư tưởng, chống diễn biến hòa bình, chống “tự chuyển hóa” là vấn đề rất lớn và đặt ra từ rất lâu. Từ năm 1994, Trung ương đã xác định đây là 1 trong 4 nguy cơ làm mất chế độ. Tuy nhiên, công tác xây dựng Đảng, trong đó có đấu tranh với tiêu cực trong Đảng, nhất là phòng chống tham nhũng là phần việc rất khó, bởi lẽ: “Đối ngoại đã khó, chống ngoại xâm đã khó, nhiều người nói chống nội xâm bây giờ càng khó vì tự ta đánh vào ta. Ai dám tự phê bình, nhận khuyết điểm, nhận kỷ luật”. Do đó, để việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiệu quả, phải kiên trì, kiên quyết, làm đi làm lại như “đánh răng rửa mặt hàng ngày”. Đó là lý do, dù đã có Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng, Trung ương lại tiếp tục thảo luận, quyết nghị và ban hành Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) cũng về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Trung ương đã đề ra 4 nhóm giải pháp để phòng chống. Trong đó có vấn đề kiểm soát quyền lực hay nói một cách khác là “nhốt” quyền lực vào trong lồng cơ chế, pháp luật. Một cơ chế nữa là công tác cán bộ, đánh giá, đề bạt, sử dụng hay tiếp tục thực hiện tự phê bình và phê bình; giáo dục tư tưởng. Đặc biệt lần này nhấn mạnh vai trò giám sát, kiểm tra của nhân dân; phản biện của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, để tạo ra những chuyển biến mạnh mẽ trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực thì phải có quyết tâm cao và nỗ lực rất lớn của toàn Đảng, toàn dân, trong đó quan trọng nhất là sự tự giác, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương.

Về ý kiến cử tri đề nghị nên thành lập thêm cơ quan chuyên phòng chống tham nhũng của Quốc hội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng, trong cơ cấu Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng đã có đại diện Chính phủ, Quốc hội, Bộ Công an, Ban Nội chính..., đảm bảo cho việc lãnh đạo, chỉ đạo có hệ thống, chặt chẽ, nên việc thành lập thêm cơ quan chuyên trách là không nên, làm rối công tác chỉ đạo. Vấn đề là các bộ, ngành, địa phương phải cùng phát huy trách nhiệm, tham gia thực hiện với tinh thần cao nhất. Việc thực hiện giám sát của Quốc hội đối với công tác phòng chống tham nhũng là cần thiết và vẫn đang thực hiện giám sát phòng, chống tham nhũng.

Tổng Bí thư chỉ rõ, công tác giám sát của Quốc hội là giám sát tối cao, còn các cơ quan HĐND đều có hoạt động giám sát, Đảng kiểm tra, chính quyền thanh tra. Tất cả thành một hệ thống như vậy mới đạt hiệu quả được.

BẢO MINH

Tin cùng chuyên mục