Tổng kết thi hành Luật Đất đai năm 2003 - Nhiều phát sinh cần giải quyết

(SGGP).- Ngày 10-3, tại TPHCM, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường Phạm Khôi Nguyên đã chủ trì Hội nghị tổng kết thi hành Luật Đất đai năm 2003 của TPHCM và tỉnh Đồng Nai. Nhiều ý kiến cho thấy, bên cạnh những mặt ưu việt, Luật Đất đai cần phải sửa đổi một số nội dung cho phù hợp với thực tiễn.

(SGGP).- Ngày 10-3, tại TPHCM, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường Phạm Khôi Nguyên đã chủ trì Hội nghị tổng kết thi hành Luật Đất đai năm 2003 của TPHCM và tỉnh Đồng Nai. Nhiều ý kiến cho thấy, bên cạnh những mặt ưu việt, Luật Đất đai cần phải sửa đổi một số nội dung cho phù hợp với thực tiễn.

Tính từ năm 2004 đến nay, triển khai Luật Đất đai, TPHCM đã đạt được kết quả nhiều mặt, từ việc thu ngân sách, cấp giấy chủ quyền, công tác quản lý… Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện đã nảy sinh nhiều vấn đề cần phải giải quyết, đặc biệt là tài chính đất đai.

Theo báo cáo của TPHCM, bảng giá đất hàng năm được UBNDTP ban hành thực chất thấp hơn giá thị trường tại thời điểm ban hành. Do vậy bảng giá chủ yếu được áp dụng để tính thuế, các mục đích còn lại hầu hết phải xác định lại theo giá thị trường.

Nhằm khắc phục tình trạng này, ông Đào Anh Kiệt, Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường TPHCM kiến nghị, thời hạn ban hành bảng giá đất hàng năm là không cần thiết, có thể 2-3 năm/ban hành một lần. Ông Ao Văn Thinh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, cùng chung kiến nghị: Khoảng 3-5 năm sẽ tiến hành điều tra, xây dựng lại một lần cho phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, kế hoạch sử dụng đất 5 năm của địa phương.

Ông Hoàng Minh Trí, Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, đề nghị đổi mới mô hình quản lý đất đai cần tập trung vào một số yếu tố chính: cần được thiết kế đồng bộ với mô hình quản lý đô thị, đặc biệt là một đô thị lớn và có vị trí đặc biệt như TPHCM.

Đánh giá sau 8 năm thực hiện Luật Đất đai, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường Phạm Khôi Nguyên, cho biết Luật Đất đai có đến 13 nghị định, hơn 200 văn bản của các bộ ngành liên quan, trong đó có 65 văn bản hướng dẫn thi hành, trên 150 văn bản liên quan đến pháp luật và đất đai!

Từ khi triển khai, công tác quản lý đất đai đã từng bước đi vào nề nếp, sử dụng đất hiệu quả hơn. Chẳng hạn như việc thống nhất một loại giấy chủ quyền cho nhà và đất đã khắc phục được những bất cập trước đây. Trước khi có Luật Đất đai, tiền sử dụng đất thu được khoảng 5.000 tỷ đồng, sau gần 10 năm, tăng 10 lần; năm 2010 tiền sử dụng đất thu được 50.000 tỷ đồng và dự kiến trong năm 2011 thu 60.000 tỷ đồng.
 
Tuy nhiên, Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên cũng thừa nhận, thực tế triển khai Luật Đất đai thời gian qua đã phát sinh một số nội dung cần điều chỉnh. Cụ thể, vai trò của nhà nước với tư cách là chủ sở hữu về đất đai trong việc quản lý, điều tiết các nguồn lợi từ đất đai cho phát triển; chính sách điều tiết lợi ích từ đất đai giữa nhà nước, doanh nghiệp và người dân…

L.THIỆN - H.NHUNG

Tin cùng chuyên mục