Giới quan sát nhận định, mục đích chuyến thăm nhằm tăng cường sự hiện diện địa chính trị và thể hiện cam kết của Pháp đối với khu vực có diện tích lãnh thổ đại dương trải dài, rộng lớn bằng lãnh thổ châu Âu này.
Trên thực tế, chuyến thăm được chờ đợi từ lâu như là một phần của điều mà chính giới Pháp gọi là “Tour de France” nhằm tái khẳng định “sự gần gũi của chính quốc với các vùng lãnh thổ hải ngoại” ở khu vực cách Paris đến 12 múi giờ có diện tích 11 triệu km2, tiếp giáp với 5 lãnh thổ ở Ấn Độ Dương và 12 lãnh thổ thuộc Thái Bình Dương. Việc sở hữu nhiều lãnh thổ ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương khiến Pháp là quốc gia có vùng đặc quyền kinh tế lớn thứ hai thế giới (chỉ đứng sau Mỹ) ở khu vực này và là một nước lớn liên quan đến sự thay đổi phát triển tình hình an ninh của khu vực. Pháp có 1,6 triệu công dân nơi đây. Quan hệ kinh tế giữa Pháp và khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đang tăng đáng kể, chiếm hơn 1/3 kim ngạch xuất khẩu của Pháp sang các nước không thuộc Liên minh châu Âu (EU).
Vì những lý do này, Pháp không những là nước đầu tiên khởi xướng chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của EU mà còn đang liên tục mở rộng vai trò về quân sự, an ninh và kinh tế, thương mại sang khu vực này. Đặc biệt, sau khi chính quyền thời Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, Pháp nhanh chóng có chiến lược quốc phòng Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của riêng mình. Bên cạnh đó, theo nhà sử học Jean-Marc Regnault của Đại học Polynesia, tác giả cuốn sách gần đây có tên “Ấn Độ - Thái Bình Dương và những con đường tơ lụa mới”, Pháp đang cố gắng “đáp trả sự thèm muốn rõ ràng của Trung Quốc” đối với các nguồn tài nguyên ở Thái Bình Dương.
Trong bối cảnh trọng tâm chiến lược quốc tế dịch chuyển sang phía Đông, sự trỗi dậy nhanh chóng của các nước lớn mới nổi như Trung Quốc, Ấn Độ…, thúc đẩy vị thế ngày càng quan trọng của Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trên trường quốc tế, Pháp đã tích cực điều chỉnh chính sách. Chuyến đi của Tổng thống Emmanuel Macron thể hiện rõ sự hiện diện của Pháp tại khu vực, từ đó nâng cao tiếng nói trong bối cảnh địa chiến lược mới nhằm tạo dựng lại vị thế nước lớn trên thế giới của Pháp.