Trong khi dịch bệnh tay - chân - miệng (T-C-M) ở trẻ đang lây lan nhanh khắp Trung Quốc thì Việt Nam cũng đang bước vào cao điểm của mùa dịch bệnh này. Không chỉ khu vực phía Bắc, nhất là Hà Nội, mà TPHCM cũng đang đối mặt với hàng chục trẻ dưới 5 tuổi mắc T-C-M nhập viện mỗi ngày.
Ngày 6-5, BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp Bệnh viện (BV) Bệnh nhiệt đới, đã khẩn cấp thông báo về việc phòng ngừa dịch bệnh T-C-M ở trẻ trong toàn BV. Theo BS Châu, tình hình dịch T-C-M trên thế giới và trong nước đang có những diễn biến phức tạp, nhất là Trung Quốc đã ghi nhận hàng ngàn ca mắc và con số tử vong cũng lên tới hàng chục.
Về phía BV, BS Châu cho biết trong 4 tháng đầu năm 2008, BV vẫn liên tục cấp cứu, điều trị nhiều ca mắc T-C-M, tổng cộng lên tới 60 chục trường hợp, trong đó có 21 trường hợp bị biến chứng thần kinh và 1 cháu đã tử vong vào tháng 2 vừa qua.
Cuối tháng 4 vừa rồi, Khoa Hồi sức cấp cứu nhi của BV cũng đã kịp thời cứu sống một trường hợp bị mắc T-C-M độ III (độ biến chứng nặng do virus tấn công dịch tủy não). Đó là em V.N.T., 18 tháng tuổi ở Vĩnh Long. Khi nhập viện, em T. sốt cao liên tục, nhịp tim 170-190 lần/phút, thỉnh thoảng co giật toàn thân, nổi nhiều hồng ban ở lòng bàn tay, bàn chân và nhiều vết loét ở đầu lưỡi…
Cùng ngày, thông tin từ một số BV nhi trên địa bàn TP cho biết số trẻ nhập viện do mắc T-C-M tăng hơn so với tháng trước và cùng kỳ năm ngoái. BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh BV Nhi đồng 1, cho biết hiện trung bình mỗi ngày có tới 40-50 cháu điều trị nội trú do mắc T-C-M, tăng gấp đôi so với cùng kỳ tháng 3 vừa qua.
Điều đáng nói, theo BS Khanh là hơn 10% trong số đó có biến chứng thần kinh, có em bị biến chứng nặng. BS Trần Thị Việt, Trưởng khoa Nhiễm BV Nhi đồng 2, cũng cho biết số trẻ nhập viện do mắc T-C-M đã tăng dần đều từ đầu năm đến nay.
Hiện trong khoa luôn thường trực 30-35 cháu được chẩn đoán mắc T-C-M, chưa kể số được cho về nhà điều trị sau khi khám ngoại chẩn. Điều BS Việt lo ngại là vào thời điểm này năm trước dịch bệnh T-C-M ở trẻ hầu như rất ít và chỉ tập trung cao điểm từ tháng 7 đến tháng 11 hàng năm.
Theo các bác sĩ chuyên khoa nhi, đa số trường hợp trẻ mắc T-C-M có diễn tiến bệnh nhẹ, có khi không có triệu chứng điển hình và tự khỏi. Tuy nhiên, những trường hợp bệnh nặng cần nhập viện và điều trị tích cực vì có thể nhanh chóng tử vong trong 24 giờ do biến chứng lên não.
Đây là bệnh lây qua đường tiêu hóa và hiện nay chưa có thuốc chủng ngừa nên cách phòng ngừa tốt nhất là bảo đảm vệ sinh ăn uống, vệ sinh cá nhân
TƯỜNG LÂM