TP Thuận An, tỉnh Bình Dương: Hướng đến phát triển bền vững

Trong những năm gần đây, TP Thuận An trở thành điểm sáng trong phát triển đô thị và thu hút đầu tư của tỉnh Bình Dương, khi luôn có chỉ số cải thiện môi trường đầu tư, cải cách hành chính, thu ngân sách luôn thuộc tốp đầu của tỉnh. Trong giai đoạn 2020-2025, thành phố này đang chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ sản xuất công nghiệp sang phát triển thương mại - dịch vụ, du lịch, hướng đến phát triển bền vững.
Đại lộ Bình Dương khang trang, tập trung nhiều siêu thị, cửa hàng hiện đại
Đại lộ Bình Dương khang trang, tập trung nhiều siêu thị, cửa hàng hiện đại

Đô thị năng động, nghĩa tình

Điểm nổi bật nhất trong phát triển kinh tế - xã hội của Thuận An 5 năm qua chính là bộ mặt đô thị đã có sự thay đổi rõ nét theo hướng khang trang, hiện đại. Và không khó để nhận ra điều này, khi trên trục đường chính chạy qua thành phố có sự hiện diện của nhiều hãng ô tô danh tiếng của nước ngoài cùng nhiều phòng giao dịch của ngân hàng trong, ngoài nước; các siêu thị hiện đại liên tiếp khai trương đã làm nên sức sống mới cho một thành phố trẻ.

Cùng với sự phát triển ấn tượng của mảng công nghiệp, chủ yếu là công nghiệp ứng dụng khoa học kỹ thuật cao, với giá trị sản xuất đạt 241.400 tỷ đồng (tăng bình quân 9%/ năm), gắn liền với cái tên Khu công nghiệp (KCN) VSIP 1 thì mảng thương mại - dịch vụ cũng tăng trưởng khá nhanh (tăng bình quân 21%/năm với giá trị tổng bán lẻ hàng hóa đạt 77.000 tỷ đồng), đã trở thành những ngành kinh tế chủ lực đóng góp cho ngân sách của Thuận An.

Công tác cải cách thủ tục hành chính (CCHC) cũng là một điểm sáng nữa của Thuận An, khi năm 2018 đứng thứ 2 toàn tỉnh và nhiều phường xã luôn trong tốp 10 của tỉnh. Trong đó, chỉ số CCHC của thành phố và các phường liên tục đứng trong tốp 10 của tỉnh nhiều năm liền, như phường Vĩnh Phú. Điều đó đã giúp cho việc giao dịch của người dân và doanh nghiệp khi đến các phòng ban, phường xã của thành phố được thuận lợi hơn.

Đầu tư hạ tầng trường lớp, cơ sở y tế, thể dục thể thao cũng là một điểm nhấn đáng kể của Thuận An gần đây. Trong 5 năm qua, Thuận An đã đầu tư xây dựng mới 11 trường, nâng cấp 20 trường, đưa tổng số trường công lập lên 55 trường, trong đó có 37 trường đạt chuẩn quốc gia. Chỉ trong năm học 2019-2020, Thuận An đã khởi công xây dựng mới 6 trường và năm học 2020-2021 khởi công xây mới thêm 4 trường.

Trong đó, có Trường Tiểu học Vĩnh Phú với 45 lớp được chọn là công trình chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Dương, sẽ khởi công vào quý 4-2020, kinh phí đầu tư hơn 100 tỷ đồng. Công trình hoàn thành sẽ giúp các em đi học thuận tiện hơn, thay vì phải băng qua đại lộ Bình Dương để đến Trường Tiểu học Phú Long. TP Thuận An hiện có 3 bệnh viện lớn được đầu tư xã hội hóa là Hạnh Phúc, Becamex và Columbia. Việc giải quyết nhu cầu về chỗ học tập, chữa bệnh cho con em công nhân, người lao động cùng hệ thống dịch vụ thương mại phát triển nhanh đã giúp người lao động trong và ngoài nước phần nào yên tâm khi đến làm việc, an cư ở Thuận An.

Không chỉ chú trọng phát triển kinh tế, xây dựng đường sá, trường lớp, TP Thuận An còn quan tâm chăm lo đến công tác an sinh xã hội, như vận động doanh nghiệp tặng vé xe, vé tàu cho công nhân về quê ăn tết, chăm lo cho người lao động ở lại ăn tết. Đặc biệt, trong thời gian dịch Covid-19, thành phố đã vận động các nhà hảo tâm, doanh nghiệp trao tặng 6.929 phần quà, trị giá 1,58 tỷ đồng; trao trực tiếp 3.514 tấn gạo, 5.100 khẩu trang y tế cho công nhân, người lao động gặp khó khăn. Đồng thời, vận động 322 chủ nhà trọ và cho thuê kiốt giảm hơn 2,46 tỷ đồng tiền thuê để chia sẻ khó khăn do dịch gây ra cho người lao động trên địa bàn.

Phát triển du lịch

Nhằm hướng đến một đô thị phát triển hài hòa, bền vững, trong nhiệm kỳ tới, TP Thuận An sẽ tiếp tục thực hiện các dự án phát triển giao thông, chống ngập, xây dựng công viên và đẩy nhanh CCHC, tháo gỡ những khó khăn, thu hút các nhà đầu tư; tranh thủ nguồn vốn xã hội hóa và nguồn ngân sách để đầu tư các công trình cấp thiết; cải thiện đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội, an ninh trật tự và bảo vệ môi trường; phấn đấu đến năm 2025 đạt được các tiêu chí đô thị loại 1 trực thuộc tỉnh. Và một trong những lĩnh vực được thành phố tập trung khai mở là du lịch. Trong một thời gian dài, TP Thuận An dồn nguồn lực cho phát triển công nghiệp, trong khi đó lợi thế vốn có để phát triển du lịch như miệt vườn Lái Thiêu cùng cảnh quan ven sông Sài Gòn, đình thờ miếu mạo, văn hóa làng nghề chưa được quan tâm khai thác.

Ông Nguyễn Thanh Tâm, Chủ tịch UBND TP Thuận An, thẳng thắn thừa nhận: “Du lịch là điểm yếu nhất của địa phương dù có nhiều tiềm năng và lại gần với TPHCM, tỉnh Đồng Nai. Trong thời gian tới, TP Thuận An sẽ tính toán đầu tư hạ tầng giao thông - đường ven sông Sài Gòn kết nối đồng bộ với đại lộ Bình Dương để phát huy lợi thế du lịch đường sông, đưa khách từ TPHCM lên, kết hợp tham quan các di tích nổi tiếng như đình Phú Long, làng gốm sứ Minh Long.

Thuận An cũng lên kế hoạch phục hồi vườn trái cây Lái Thiêu, tổ chức định kỳ lễ hội “Lái Thiêu mùa trái chín” trùng với thời điểm Tết Đoan Ngọ (mùng 5 tháng 5 âm lịch) nhằm thu hút khách trong nước, quốc tế đến tham quan theo các tour liên kết với các tỉnh, thành Đông Nam bộ. Nơi đây từng là điểm dã ngoại nổi tiếng, thu hút rất đông du khách từ TPHCM và các tỉnh lân cận. Mở tuyến tham quan này là một việc làm có ý nghĩa nhằm bảo tồn, phát triển nét đặc sắc riêng về tài nguyên du lịch.

Trong phương hướng, nhiệm vụ thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2020-2025, Thuận An đề ra định hướng thu hút các nguồn lực, đầu tư phát triển du lịch gắn với xây dựng các bến hành khách phát triển tuyến du lịch đường sông - đường bộ, kết hợp tham quan vườn cây ăn trái Lái Thiêu, các di sản văn hóa, làng nghề truyền thống và các khu, điểm du lịch trên địa bàn.

Tin cùng chuyên mục