
Theo đánh giá của Sở Thông tin và Truyền thông (TT-TT) TPHCM, thị trường dịch vụ chuyển phát trên địa bàn TPHCM đang ngày càng sôi động với sự tham gia của rất nhiều nhà cung cấp cùng nhau cạnh tranh, chia sẻ thị phần. Tuy nhiên, để có thể hoạt động trong lĩnh vực này, các doanh nghiệp cần chấp hành đầy đủ các quy định của pháp luật.
- Biến tướng dịch vụ chuyển phát

Theo khảo sát của Sở TT-TT TPHCM, đến cuối năm 2008, TPHCM có khoảng 160 doanh nghiệp và chi nhánh doanh nghiệp (gọi chung là DN) đăng ký kinh doanh lĩnh vực này, tăng gấp 2,1 lần so với năm 2007 và gấp 3 lần so với năm 2006. Tuy nhiên, tổng số DN cùng tham gia khai thác dịch vụ này không chỉ dừng lại ở con số 160 mà còn có sự xuất hiện của rất nhiều DN khác cũng tham gia vào thị trường.
Đó là tình trạng nhiều DN đăng ký kinh doanh lĩnh vực “giao nhận”, “vận tải hàng hóa” hoặc “vận chuyển hành khách” nhưng lại tận dụng mạng lưới, phương tiện sẵn có để thực hiện thêm dịch vụ chuyển phát. Ông Lê Mạnh Hà, Giám đốc Sở TT-TT, cho biết, cũng có DN đăng ký kinh doanh lĩnh vực ngành nghề là “đại lý bưu chính”, “đại lý chuyển phát” nhưng lại tự đứng ra tổ chức mạng lưới hoạt động kinh doanh dịch vụ chuyển phát.
Ngoài ra, có hiện tượng DN không đăng ký kinh doanh lĩnh vực ngành nghề liên quan, nhưng do yêu cầu kinh doanh đã tự tổ chức lực lượng chuyển phát miễn phí sản phẩm, hàng mẫu cho khách hàng, và sau đó họ tận dụng lực lượng này để thực hiện chuyển phát có thu phí. Như vậy, tính thêm các loại DN này thì số lượng DN sẽ có thể lên đến vài trăm.
Tuy nhiên, theo thông báo của Bộ TT-TT, đến thời điểm hiện nay mới chỉ có 16 DN được cấp giấy phép chuyển phát thư và 10 DN được xác nhận thông báo hoạt động kinh doanh dịch vụ chuyển phát. Bên cạnh đó, Nghị định 128/2007/NĐ-CP về dịch vụ chuyển phát của Chính phủ đã có hiệu lực gần 1 năm, nhưng vẫn còn số lượng lớn DN chưa thực hiện các quy định về thông báo hoạt động kinh doanh dịch vụ chuyển phát và đề nghị cấp phép kinh doanh dịch vụ chuyển phát thư đối với DN có kinh doanh dịch vụ này.
- Chấn chỉnh hoạt động theo đúng luật
Các DN xin cấp phép hoạt động trong lĩnh vực này, DN gửi hồ sơ cấp phép khi có đủ các |
Theo quy định của nghị định nói trên, DN kinh doanh dịch vụ chuyển phát phải có trách nhiệm thông báo hoạt động kinh doanh với cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Hồ sơ thông báo hoạt động kinh doanh bao gồm văn bản thông báo hoạt động kinh doanh dịch vụ chuyển phát; bản sao hợp lệ giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh dịch vụ chuyển phát hoặc giấy chứng nhận đầu tư trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ chuyển phát tại Việt Nam; mẫu hợp đồng cung ứng và sử dụng dịch vụ; bảng giá cước, chất lượng dịch vụ và mức giới hạn trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp phát sinh thiệt hại và việc gửi hồ sơ được thực hiện chậm nhất là 30 ngày, kể từ ngày đầu tiên cung ứng dịch vụ. Doanh nghiệp chuyển phát chỉ được kinh doanh dịch vụ chuyển phát thư khi đã được cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ này.
Trước thực trạng trên, năm 2009 Sở TT-TT TPHCM sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan và chính quyền địa phương tổng kiểm tra, rà soát hoạt động kinh doanh dịch vụ chuyển phát trên địa bàn thành phố nhằm phát hiện, xử lý các vi phạm và hướng dẫn các DN chuyển phát thực hiện đúng quy định pháp luật. Kinh doanh hợp pháp và chấp hành tốt pháp luật cũng là một trong những tiêu chí xây dựng nên thương hiệu và uy tín của DN, góp phần thúc đẩy sự phát triển môi trường cạnh tranh lành mạnh và sự phát triển bền vững của DN
PHƯỚC NGỌC