(SGGPO). - Sáng 22 – 10, Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân chủ trì cuộc họp về tình hình cháy nổ, công tác điều tra, truy tố xét xử các vụ án có liên quan đến hóa chất tại TPHCM trong 2 năm gần đây.
Cùng dự có Phó Chủ tịch UBND TPHCM Tất Thành Cang, Đại tá Nguyễn Tri Phương, Phó Cục Trưởng Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm (Bộ Công an), Đại tá Đoàn Hữu Thắng, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC (Bộ Công an).
Tại buổi làm việc, Đại tá Trần Thanh Châu, Phó Giám đốc Cảnh sát PCCC TP, cho biết: Từ đầu năm 2010 đến nay, TP xảy ra 7 vụ cháy, nổ do hóa chất, làm chết 8 người, bị thương 7 người, thiệt hại về tài sản gần 50 tỷ đồng. Đáng ngại là riêng năm 2014, xảy ra 4 vụ, làm 7 người chết, 6 người bị thương, thiệt hại khoảng 34,5 tỷ đồng. Ngoài gây thiệt hại, tổn thất về người và tài sản, các vụ cháy nổ do hóa chất còn tác động xấu đến an ninh trật tự, môi trường, nguồn nước sinh hoạt. Nguyên nhân trực tiếp dẫn đến các vụ cháy nổ là do vi phạm các quy định về an toàn trong quá trình vận chuyển, bảo quản, chế biến, pha chế, sử dụng các loại hóa chất dẫn đến sự cố rò rỉ hóa chất ra ngoài, phản ứng với nước, khí oxy gây cháy nổ.
Tình hình cháy nổ do hóa chất đã và đang diễn biến phức tạp là do chủ các cơ sở sản xuất – kinh doanh – pha chế hóa chất thiếu ý thức, không chấp hành đúng các quy định an toàn toàn cháy nổ khi cơ sở hoạt động. Ở một số cơ sở, nhân viên, công nhân làm việc, thậm chí chủ cơ sở thiếu kiến thức hóa học, không rành về thanh phần hóa chất nên trong quá trình làm việc, sắp xếp hóa chất với nhau đã gây ra sự cố đáng tiếc. Ngoài ra, việc buôn bán, sử dụng “lậu” hóa chất, chủ yếu ở khu vực chợ Kim Biên vẫn chưa dẹp cũng là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến các vụ cháy nổ gây hậu quả nghiêm trọng gần đây.
Liên quan đến cháy nổ do hóa chất, trong 2 năm gần đây, Công an TPHCM đã khởi tố 8 vụ án, 3 bị can. Sở dĩ ít bị can là vì thủ phạm cũng là nạn nhân đã mất sau các vụ cháy nổ. Lý giải công tác ngăn chặn cháy nổ hóa chất ở TPHCM thời gian chưa hiệu quả, Thiếu tướng Phan Anh Minh, Phó Giám đốc Công an TPHCM, cho rằng do công tác quản lý nhà nước về sản xuất – kinh doanh – sử dụng hóa chất của các cơ quan nhà nước còn lỏng lẻo. Thêm vào đó, quy định trong các văn bản luật cũng chồng chéo, không đồng bộ.
Thiếu tướng Phan Anh Minh phát biểu tại buổi làm việc sáng 22-10
Ông Trần Xuân Điền, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM, cho biết toàn TPHCM hiên có 638 cơ sở sản xuất – kinh doanh – pha chế hóa chất, trong đó có 401 cơ sở sản xuất - kinh doanh – pha chế hóa chất công nghiệp, 125 cơ sở sản xuất kinh doanh hóa chất y tế, 74 cơ sở sản xuất kinh doanh nông nghiệp. Trong số 401 cơ sở sản xuất – kinh doanh – pha chế hóa chất công nghiệp hiện chỉ có 150 cơ sở có đủ điều kiện hoạt động, còn lại không đủ điều kiện.
Để việc sản xuất – kinh doanh – pha chế hóa chất an toàn, tránh cháy nổ xảy ra, tháng 9-2014, Sơ Công thương TP đã thành lập thêm Đội quản lý thị trường 1A (chuyển kiểm tra, xử lý các vi phạm về hóa chất). Thời gian tới, Sở Công thương sẽ yêu cầu đội quản lý thị trường này phối hợp với cảnh sát môi trường, cảnh sát PCCC, Ban quản lý các KCN, KCX tăng cường kiểm tra, xử lý các vi phạm, rà soát lại tất cả các cơ sở không đủ điều kiện hoạt động, yêu cầu họ bổ sung, khắc phục, nếu không sẽ đình chỉ.
Phát biểu chỉ đạo, Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân khẳng định, công tác phòng chống cháy nổ, đặc biệt là cháy nổ do hóa chất là nhiệm vụ rất quan trọng. Để việc ngăn ngừa cháy nổ hóa chất được hiệu quả, các quận huyện, phường xã có vai trò quyết định, lãnh đạo ở địa phương là những người gần dân nhất, hiểu địa bàn nhất, phải theo dõi chặt chẽ số lượng cơ sở hoạt động, kịp thời xử lý ngay các vi phạm, nếu vi phạm đó vượt thẩm thì báo ngay cho cơ quan cấp trên. Đồng chí Lê Hoàng Quân yêu cầu các đơn vị, sở ngành liên quan và các quận huyện khắc phục ngay các tồn tại chỉ ra, không để cháy nổ do hóa chất tiếp tục xảy đến.
• Liên quan đến công tác điều tra, khắc phục hậu quả vụ nổ Công ty TNHH Sản xuất – Thương mại Đặng Huỳnh, ông Nguyễn Toàn Thắng, Chủ tịch UBND Quận 12, TPHCM cho biết: Đến thời điểm này, địa phương đã tổ chức thăm hỏi, hỗ trợ 30 triệu đồng/người chết, hơn 10 triệu đồng/người bị thương. Trong số 5 người bị thương hiện có 3 người đã xuất viện, 2 trường hợp còn lại vẫn đang được điều trị tại Bệnh viên Chợ Rẫy.
Về tài sản, có 115 căn nhà bị ảnh hưởng, qua làm việc, có 29 hộ dân đồng ý tự sửa chữa. Trong 86 căn còn lại có 12 căn bị sập phải xây mới, trong thời gian chờ hướng dẫn xây dựng, địa phương đã hỗ trợ tiền ở tạm trong 3 tháng cho các hộ. Về công tác xử lý môi trường, đến chiều nay 22-10, việc di chuyển các thùng hóa chất ra khỏi hiện trường và khử mùi, lọc độc sẽ hoàn tất.
TUẤN VŨ