TPHCM đề xuất nâng hoạt động giám sát, phản biện xã hội thành luật

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM Trần Kim Yến kiến nghị, cần xem xét nâng hoạt động giám sát, phản biện xã hội thành luật. Trong đó, quy định hoạt động phản biện xã hội là một trong những quy định bắt buộc khi ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Ngày 6-7, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức sơ kết 5 năm triển khai Nghị quyết liên tịch 403 quy định chi tiết các hình thức giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam. Nghị quyết liên tịch 403 được Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam ký kết, ban hành năm 2017.

Hệ thống MTTQ Việt Nam các cấp TPHCM đã giám sát 3.257 cuộc

Từ điểm cầu TPHCM, đồng chí Trần Kim Yến, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM đã báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết liên tịch 403; đồng thời thông tin những điểm mới, sáng tạo trong hoạt động giám sát của MTTQ Việt Nam TPHCM.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM Trần Kim Yến phát biểu từ điểm cầu TPHCM

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM Trần Kim Yến phát biểu từ điểm cầu TPHCM

Theo đồng chí, qua 5 năm, hệ thống MTTQ Việt Nam các cấp TPHCM đã giám sát đối với 1.187 văn bản của các cơ quan có thẩm quyền, qua đó đã kiến nghị 293 nội dung có liên quan đến các văn bản đã giám sát. Tổ chức giám sát thông qua thành lập đoàn giám sát với 3.257 cuộc. Nội dung giám sát tập trung vào công tác quản lý và cấp phép xây dựng; lập lại trật tự lòng lề đường, mỹ quan đô thị…

Qua kết quả khảo sát, MTTQ Việt Nam TPHCM đã kiến nghị, đề xuất các giải pháp phù hợp, thiết thực nhằm cải thiện và nâng cao chất lượng, hiệu quả phục vụ đối với người dân và tổ chức trên địa bàn thành phố, được sự đồng tình ủng hộ của các sở, ngành và UBND các cấp.

Đồng chí Trần Kim Yến thông tin, thực hiện Nghị quyết 131 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại TPHCM, theo đó không tổ chức HĐND quận, phường, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM đã tham mưu Ban Thường vụ Thành ủy ban hành Đề án 06 “Nâng cao vai trò của MTTQ Việt Nam Thành phố và nhân dân giám sát tổ chức đảng, đảng viên và hoạt động của chính quyền các cấp TPHCM giai đoạn 2021-2030”. Một trong những nội dung quan trọng được quy định trong Đề án 06 là đưa nội dung thực hiện các kết luận sau giám sát vào đánh giá, xếp loại tổ chức cơ sở Đảng, đảng viên hàng năm và không đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên đối với tập thể, cá nhân không thực hiện những kiến nghị sau giám sát.

“Nhìn chung hoạt động giám sát, phản biện xã hội của MTTQ TPHCM đạt được nhiều kết quả quan trọng, giúp cho chính quyền các cấp thấy được những tồn tại, hạn chế, từ đó nâng cao tinh thần trách nhiệm trong việc giải quyết các vấn đề bức xúc của nhân dân”, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM đánh giá.

Tăng cường giám sát trong giải quyết đơn thư, khiếu nại

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM Trần Kim Yến đề xuất cần tập trung tổ chức giám sát thông qua việc nắm bắt tình hình các tầng lớp nhân dân, qua đó lựa chọn một số vụ việc phức tạp, bức xúc, giải quyết kéo dài để nghiên cứu, giám sát và kiến nghị chính quyền các cấp quan tâm giải quyết. Đồng thời, giám sát việc giải quyết của các cơ quan có thẩm quyền đối với các vụ việc mà MTTQ Việt Nam đã kiến nghị, qua đó góp phần xây dựng chính quyền, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM Trần Kim Yến kiến nghị nhiều nội dung

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM Trần Kim Yến kiến nghị nhiều nội dung

Cùng với đó, quan tâm đổi mới công tác tiếp dân phù hợp với những quy định mới của pháp luật về vai trò, chức năng, nhiệm vụ của MTTQ Việt Nam trong công tác tiếp dân; theo dõi, giám sát các cơ quan chức năng giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân theo kiến nghị của Mặt trận. Song song đó, tăng cường công tác giám sát việc thực thi pháp luật về khiếu nại, tố cáo của chính quyền cùng cấp, nhất là trong công tác tiếp dân, giải quyết các đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công dân, nhằm hạn chế phát sinh khiếu nại, tố cáo kéo dài và vượt cấp.

Đặc biệt, cần xem xét nâng hoạt động giám sát, phản biện xã hội thành luật. Trong đó, quy định hoạt động phản biện xã hội là một trong những quy định bắt buộc khi ban hành một văn bản quy phạm pháp luật. Đồng thời, cần quy định chế tài cụ thể về trách nhiệm, thời hạn gửi dự thảo văn bản đề nghị phản biện xã hội và việc giải trình, tiếp thu ý kiến, trách nhiệm trả lời các kiến nghị sau giám sát của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, của các cơ quan được giám sát.

Ngoài ra, đồng chí Trần Kim Yến cũng kiến nghị cần nghiên cứu kinh phí hỗ trợ tương xứng trong phát huy vai trò và trí tuệ của các chuyên gia, nhà khoa học tham gia hoạt động giám sát, phản biện xã hội.

Tin cùng chuyên mục