Các đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM;Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TPHCM; Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công thương, đã tham dự và chủ trì hội thảo.
Theo Sở Công thương TPHCM, dự ước tăng trưởng kinh tế TPHCM năm 2019 là 7,9%. Đây là năm thứ 9 liên tục, TPHCM duy trì mức tăng trưởng trên 7%. Nếu xét về giá trị gia tăng công nghiệp, ngành công nghiệp thành phố chiếm khoảng 32,3% sản lượng công nghiệp vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và đóng góp khoảng 16% quy mô sản xuất công nghiệp toàn quốc.
Thực tế cho thấy, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) từ năm 2015 đến nay ước tăng trung bình 7,66% và có xu hướng tăng cao dần qua các năm. Điều này cho thấy quy mô sản xuất công nghiệp thành phố ngày càng mở rộng, các doanh nghiệp (DN) đã đầu tư mở rộng sản xuất, đổi mới máy móc thiết bị để nâng cao năng lực cạnh tranh.
Tháo nút thắt chính sách
Ở góc độ DN, ông Nguyễn Văn Trí, Giám đốc Công ty TNHH Lập Phúc, cho biết, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, ngành điện, điện tử, lĩnh vực sản xuất công nghệ cao nói chung… thường đòi hỏi vốn đầu tư lớn nhưng thời gian hoàn vốn lâu. Do vậy, thành phố cần có chiến lược hỗ trợ dài hơn. Thời gian qua, TPHCM đã thành lập nhiều quỹ hỗ trợ vốn đầu tư cho DN nhưng thủ tục hành chính còn phức tạp, khó tiếp cận nên cần cải cách thủ tục hành chính quyết liệt hơn. Ngoài ra, cần đầu tư xây dựng trung tâm hoặc viện công nghệ công nghiệp (hoạt động theo cơ chế tự chủ, tự cân đối kinh phí hoạt động) để hỗ trợ các DN nhỏ và vừa, giúp nâng cao năng lực về công nghệ. “Đặc biệt, Chính phủ sớm ban hành các biện pháp bảo vệ thị trường điện, điện tử gia dụng như thuế phòng vệ, hàng rào kỹ thuật, chống gian lận thương mại... nhằm tạo cơ hội cho các DN lĩnh vực này phát triển, đóng vai trò dẫn dắt thị trường điện tử trong nước…”, ông Lê Hoài Quốc, Chủ tịch Hội Tự động hóa TPHCM, đề xuất.
Ghi nhận những ý kiến đóng góp tại hội thảo, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho biết, trong thời gian tới, TPHCM sẽ định hướng phát triển ngành công nghiệp nhưng có tính đến các yếu tố như lợi thế của DN trên địa bàn, những ngành có khả năng tham gia vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu, có tác động lan tỏa rộng đến các ngành kinh tế khác. Các ngành sản xuất cũng phải sử dụng công nghệ sạch, thân thiện môi trường, tiết kiệm năng lượng, có khả năng tạo ra giá trị gia tăng cao. Quan trọng hơn, phải đáp ứng nhu cầu trong nước và tăng nhanh xuất khẩu.
Phát biểu chỉ đạo tại hội thảo, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy TPHCM, nhấn mạnh, ngoài những yếu tố khách quan, cần phải thấy rằng đang có sự bất cập trong cơ cấu quản lý công nghiệp. Đồng chí Bí thư Thành ủy cũng chỉ rõ, Sở Công thương có vai trò tham mưu xây dựng chiến lược phát triển ngành công nghiệp nói chung nhưng lại không quản lý khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao.
Do đó, những cơ sở dữ liệu cần thiết để đánh giá nguồn nhân lực, số lượng DN đầu tư vào từng ngành nghề cụ thể, năng suất…, chưa được thống kê và tính toán đầy đủ. Điều này sẽ ảnh hưởng đến việc xây dựng, định hướng chiến lược phát triển của thành phố. Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu các cơ quan chức năng cần hợp tác chặt chẽ hơn. Phải nhìn nhận rằng, DN tư nhân đóng vai trò rất quan trọng cho sự phát triển của thành phố. Do vậy, để có thể xây dựng chiến lược phát triển công nghiệp, thành phố cần tăng cường đối thoại, tiến tới phối hợp DN để hình thành hội đồng phát triển các ngành công nghiệp chủ lực với đầy đủ thành phần kinh tế tham dự. Có như vậy, khi ban hành chính sách hỗ trợ mới sát với thực tế và phù hợp với nhu cầu của cộng đồng DN.
Triển khai 5 giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp TPHCM |