TPHCM dự toán kinh phí hơn 462 tỷ đồng hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19

Ngày 26-6, Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM Lê Minh Tấn cho biết, ngay sau khi HĐND TPHCM có Nghị quyết thông qua gói hỗ trợ đối với người bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 trên địa bàn TPHCM (phiên họp ngày 25-6), sở đã có tờ trình khẩn gửi UBND TPHCM về kinh phí thực hiện.

Người lao động nhiều ngành nghề bị ảnh hưởng dịch Covid-19 cần được sự hỗ trợ
Người lao động nhiều ngành nghề bị ảnh hưởng dịch Covid-19 cần được sự hỗ trợ

Việc này nhằm triển khai nhanh nhất để hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Trong đó, riêng kinh phí hỗ trợ 3 nhóm người lao động: người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương; người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) bị mất việc làm do ảnh hưởng của dịch Covid-19 là hơn 462 tỷ đồng.

Tờ trình thực hiện dựa trên số liệu báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Công thương, Sở Du lịch, Ban Quản lý các Khu Chế xuất và Công nghiệp, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao, UBND TP Thủ Đức và các quận/huyện (tính đến ngày 25-6).

Cụ thể, người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương; người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp được nhận mức hỗ trợ một lần 1,8 triệu đồng/người. Số lao động dự kiến được hỗ trợ là 79.864 người.

Riêng lao động nữ đang mang thai; người đang nuôi con chưa đủ 6 tuổi (15.971 người) thuộc hai nhóm đối tượng trên sẽ hỗ trợ thêm 1 triệu đồng/người.

Sở cũng dự toán kinh phí hỗ trợ người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) bị mất việc làm, giảm sâu thu nhập hoặc không có thu nhập do thực hiện giãn cách xã hội để kiểm soát dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố theo chỉ đạo của UBND TPHCM (202.013 người). Mức hỗ trợ dự toán là 50.000 đồng/người/ngày, thời gian tạm tính trong 30 ngày.

Phương thức chi trả sẽ do Chủ tịch UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện chịu trách nhiệm quản lý, sử dụng và thanh quyết toán kinh phí được bổ sung theo đúng quy định. Khi hoàn thành việc hỗ trợ, trường hợp sử dụng không hết kinh phí, UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện lập thủ tục hoàn trả theo quy định. Chịu trách nhiệm về việc xác định đối tượng theo đúng tiêu chí, điều kiện và thực hiện thẩm định, chi hỗ trợ người lao động; bảo đảm việc chi hỗ trợ đúng đối tượng, đúng chính sách.

Ngoài ra, Chủ tịch UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện cũng chủ động sử dụng kinh phí đã được bổ sung để hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Trường hợp ngân sách địa phương có khó khăn thì báo cáo Sở Tài chính, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để tổng hợp, báo cáo UBND TPHCM giải quyết kịp thời.

Tin cùng chuyên mục