TPHCM: Đưa ứng dụng công nghệ thông tin vào khảo sát năng lực ngoại ngữ cho học sinh

Sáng 23-3, gần 300 cán bộ quản lý là lãnh đạo phòng GD-ĐT TP Thủ Đức và 21 quận, huyện, hiệu trưởng các trường mầm non, tiểu học, THCS và THPT trên địa bàn TPHCM đã tham gia Hội thảo “Làm quen tiếng Anh bậc mầm non theo chuẩn quốc tế và ứng dụng công nghệ trong khảo sát năng lực ngoại ngữ” do Sở GD-ĐT TPHCM tổ chức.

Cần chuẩn đánh giá ngoại ngữ cho trẻ mầm non

Phát biểu tại hội thảo, ông Lê Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM cho biết, theo các nghiên cứu được công bố trên thế giới vào năm 2014, việc cho trẻ mầm non làm quen với ngoại ngữ còn gặp nhiều băn khoăn từ phụ huynh.

Tuy nhiên, các nghiên cứu gần đây cho thấy, việc cho trẻ mầm non làm quen ngoại ngữ từ nhỏ là quan điểm đúng đắn bởi kiến thức, kỹ năng ngôn ngữ được phát triển trong giai đoạn này sẽ tạo nền tảng kỹ năng vững chắc giúp việc học ngôn ngữ hiệu quả hơn trong tương lai.

Năm 2020, Bộ GD-ĐT có các công văn hướng dẫn triển khai chương trình làm quen tiếng Anh cho trẻ mẫu giáo, trong đó lưu ý đến những khác biệt về phương pháp sư phạm của lứa tuổi này với những lứa tuổi lớn hơn.

Toàn cảnh hội thảo sáng 23-3

Toàn cảnh hội thảo sáng 23-3

Khi xây dựng chương trình tiếng Anh cho trẻ mầm non, ngoài việc nghiên cứu kinh nghiệm từ các quốc gia đã triển khai thành công trên thế giới còn phải căn cứ vào các nghiên cứu về tâm lý độ tuổi, vùng miền, văn hóa, thói quen, điều kiện, khả năng tiếp cận của học sinh Việt Nam.

Các hoạt động cho trẻ làm quen tiếng Anh nhằm tạo điều kiện cho trẻ trải nghiệm, tìm tòi, khám phá môi trường xung quanh dưới nhiều hình thức đa dạng theo phương châm “chơi mà học, học bằng chơi”, lồng ghép tích hợp các hoạt động giáo dục và giao tiếp trong các ngữ cảnh và hoạt động gần gũi.

Thống kê của Phòng Giáo dục mầm non (Sở GD-ĐT TPHCM) cho biết, tính đến tháng 3-2023, toàn thành phố có 1.240/1.305 (tỷ lệ 95%) trường mầm non tổ chức cho trẻ làm quen tiếng Anh.

Trong đó, có 423 trường công lập (tỷ lệ 34,1%) và 817 cơ sở ngoài công lập (tỷ lệ 65,9%). Tổng số trẻ mầm non tham gia là 143.320 trẻ.

Theo bà Lương Thị Hồng Điệp, Trưởng phòng Giáo dục mầm non (Sở GD-ĐT TPHCM), việc cho trẻ làm quen tiếng Anh ngày càng trở thành nhu cầu cần thiết và nhận được sự đồng thuận cao từ cha mẹ và người chăm sóc trẻ.

Trẻ hứng thú khi được tạo môi trường làm quen tiếng Anh trực quan, sinh động, phù hợp độ tuổi

Trẻ hứng thú khi được tạo môi trường làm quen tiếng Anh trực quan, sinh động, phù hợp độ tuổi

Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức, để đảm bảo kết quả thực hiện như mong đợi, cần có bộ tiêu chí đánh giá năng lực tiếng Anh cho trẻ mẫu giáo ở các độ tuổi.

Giải thích rõ hơn đề xuất này, bà Nguyễn Thị Kim Uyên, Phó trưởng phòng GD-ĐT quận 10 cho biết, toàn quận hiện có 33/39 trường mầm non tổ chức cho trẻ làm quen tiếng Anh với gần 4.000 học sinh theo học, đạt tỷ lệ hơn 63%.

"Trong khi học sinh tiểu học (độ tuổi từ 7-12 tuổi) được tạo điều kiện tham gia các kỳ thi chứng chỉ tiếng Anh như Starters, Movers, Flyers thì bậc mầm non hoàn toàn chưa có chuẩn đánh giá học sinh", bà Kim Uyên bày tỏ.

Ứng dụng công nghệ thông tin vào khảo sát học sinh

Chia sẻ ý kiến tại hội thảo, Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Nguyễn Văn Hiếu cho rằng, khi trẻ bắt đầu làm quen một ngoại ngữ thì yêu cầu về tính chính xác, chuẩn mực hết sức quan trọng để tạo nền tảng vững chắc kiến thức và kỹ năng cho quá trình học tập ở các bậc tiếp theo.

Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Nguyễn Văn Hiếu nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cho trẻ làm quen tiếng Anh từ nhỏ

Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Nguyễn Văn Hiếu nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cho trẻ làm quen tiếng Anh từ nhỏ

Do đó, "việc ứng dụng công nghệ thông tin vào khảo sát năng lực ngoại ngữ của học sinh nhằm phát hiện, kịp thời bổ sung, điều chỉnh phương pháp dạy học của giáo viên, qua đó giúp học sinh có năng lực ngoại ngữ chuẩn nhất, nâng cao hiệu quả giảng dạy", Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM bày tỏ.

Theo đó, việc khảo sát có thể tổ chức thường xuyên, định kỳ để rút kinh nghiệm và nâng cao chất lượng giảng dạy. Trong đó, nội dung khảo sát không đặt nặng mục tiêu trẻ 3 tuổi phải đạt những kiến thức, kỹ năng gì, 4 tuổi phát triển ra sao mà cần công cụ đánh giá linh hoạt để có định hướng giảng dạy phù hợp.

Đây cũng là nội dung được các chuyên gia, đại diện các đơn vị trường học quan tâm nhằm thực hiện thành công mục tiêu chuyển đổi số giáo dục.

Bước đầu, Sở GD-ĐT TPHCM ký thỏa thuận ghi nhớ hợp tác với Tập đoàn Giáo dục EMG Education và Pearson Education nhằm giới thiệu chuẩn năng lực tiếng Anh cho học sinh các trường mầm non trên địa bàn TPHCM.

Thỏa thuận hợp tác giữa Sở GD-ĐT TPHCM và EMG Education và Pearson Education

Thỏa thuận hợp tác giữa Sở GD-ĐT TPHCM và EMG Education và Pearson Education

Trong đó, phương pháp khảo sát, đánh giá năng lực tiếng Anh mang tính trực quan cao, phù hợp với lứa tuổi mầm non dựa theo thang đo quốc tế GSE Pre-Primary (Global Scale of English Pre-Primary) đã được Pearson Education giới thiệu trong dịp này nhằm giúp học sinh tiếp cận với chuẩn tiếng Anh của học sinh các nước trên thế giới.

Song song đó, thỏa thuận ghi nhớ hợp tác cũng bao gồm khung đánh giá năng lực tiếng Anh trên nền tảng số với phiên bản thi trực tuyến trên máy tính.

Ông Christopher Cuddihy, Giám đốc toàn cầu phụ trách Quan hệ Chính phủ và Hợp tác Quốc tế, Tập đoàn Pearson Education cho biết: “Chương trình làm quen và khảo sát năng lực tiếng Anh cho trẻ ở bậc mầm non và các ứng dụng công nghệ trong kiểm tra đánh giá học sinh sẽ góp phần thực hiện thành công công tác chuyển đổi số của ngành giáo dục thành phố”.

Về lâu dài, cô Trần Bé Hồng Hạnh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Thái Học (quận 1) đề xuất Sở GD-ĐT TPHCM có hướng dẫn cụ thể về phạm vi áp dụng của các chuẩn đánh giá, đồng thời tham mưu UBND TPHCM có chính sách đầu tư trang thiết bị, cải tạo cơ sở vật chất nhằm tạo thêm điều kiện cho các trường ứng dụng thành công công nghệ thông tin vào đánh giá học sinh.

Theo ông David Albon, Giám đốc phụ trách Chương trình Quốc tế, Pearson Schools and Qualifications, học sinh mầm non từ trước đến nay chưa có nhiều cơ hội tiếp cận các chuẩn năng lực tiếng Anh quốc tế. Do đó, việc đưa chuẩn tiếng Anh quốc tế vào triển khai trong các đơn vị trường học sẽ giúp giáo viên và phụ huynh nắm bắt được năng lực của học sinh. Ngoài ra, thông qua các chuẩn đánh giá, học sinh có thể chia sẻ và cảm thấy tự hào về thành quả đạt được trong học tập.

Việc các bài khảo sát, kiểm tra đánh giá được thực hiện trên nền tảng công nghệ với công nghệ giám thị từ xa cho phép người học có thể truy cập và làm bài thi tại nhà hoặc ở bất cứ nơi đâu, kết hợp cùng công nghệ tạo ngân hàng đề thi và chấm điểm tự động bằng trí tuệ nhân tạo nhằm đáp ứng tối đa nhu cầu người học.

Tin cùng chuyên mục