TPHCM gặp gỡ hơn 130 cán bộ, hội viên phụ nữ tiêu biểu

Sáng 17-10, tại TPHCM, lãnh đạo TPHCM đã có buổi gặp gỡ, đối thoại với hơn 130 cán bộ, hội viên phụ nữ tiêu biểu trên địa bàn TP.
Lãnh đạo TPHCM trao đổi với cán bộ, hội viên phụ nữ tiêu biểu
Lãnh đạo TPHCM trao đổi với cán bộ, hội viên phụ nữ tiêu biểu

Với chủ đề “Xây dựng thành phố an toàn, thân thiện với phụ nữ và trẻ em”, buổi gặp là dịp để phụ nữ nói lên tiếng nói, tâm tư, nguyện vọng, trách nhiệm của mình, đồng thời đề xuất những giải pháp tham gia xây dựng TP an toàn, thân thiện, xứng tầm với sự phát triển chung của TPHCM.

Đây cũng là hoạt động thiết thực chào mừng kỷ niệm ngày Phụ nữ Việt Nam 20-10, kỷ niệm 87 năm Ngày thành lập Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam (20-10-1930 – 20-10-2017).
Tham dự buổi gặp gỡ có các đồng chí: Nguyễn Thị Quyết Tâm, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM; Võ Thị Dung, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM; Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TPHCM; Nguyễn Thị Lệ, Trưởng Ban Dân vận Thành ủy, cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành.
TPHCM gặp gỡ hơn 130 cán bộ, hội viên phụ nữ tiêu biểu ảnh 1 Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ TPHCM Nguyễn Thị Ngọc Bích phát biểu trong buổi gặp gỡ. Ảnh: VIỆT DŨNG
Tại buổi gặp gỡ, đối thoại, nhiều ý kiến đóng góp đã nêu lên nguyện vọng, trăn trở của phụ nữ TP trong nỗ lực xây dựng thành phố an toàn, thân thiện với phụ nữ và trẻ em.
Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Bích, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) TPHCM, để xây dựng thành phố an toàn, thân thiện với phụ nữ và trẻ em thì các chính sách, các dịch vụ phải được thực thi và vận hành nghiêm túc. 
"Môi trường khó an toàn khi vẫn còn vấn nạn bạo hành, xâm hại phụ nữ, trẻ em; vẫn còn phân biệt giới, phân biệt giàu nghèo. Cần có nhiều hoạt động hướng đến chăm lo, tạo điều kiện để phụ nữ chủ động nâng cao vị thế của mình trong xã hội", bà Nguyễn Thị Ngọc Bích chia sẻ.
Bà Nguyễn Ngọc Long, bày tỏ niềm vui khi thấy lãnh đạo TP ngày càng có sự quan tâm đến phụ nữ và trẻ em gái, nhất là có nhiều chính sách để các nhóm đối tượng này phát triển.
Tuy nhiên, bà Long cho rằng để xây dựng TP thân thiện thì các phương tiện giao thông công cộng phải được đầu tư tốt. Bản thân bà thường xuyên sử dụng phương tiện đi lại là xe buýt, bà thấy có nhiều bất cập khiến phụ nữ mất an toàn. Cụ thể, bà chỉ ra rằng tại các nhà chờ xe buýt rất thiếu ánh sáng, nhiều đoạn đường gần trạm cũng thiếu đèn đường kiến phụ nữ và trẻ em gái có nguy cơ bị trấn lột, bị xâm hại khi dùng loại phương tiện này. Ngoài ra trên các chuyến xe buýt, phụ nữ và trẻ em gái cũng rất dễ bị sàm sỡ. Bên cạnh đó việc nhà chờ có nhiều rác, trạm dừng thì không có biển báo, các khu vực vùng ven nhà chờ xe rất ít, thời gian chờ lại lâu cũng là nguyên nhân khiến người dân ngại đi phương tiện này. Bà Long đề nghị cần tăng hệ thống chiếu sáng tại các nhà chờ xe buýt; cần có camera trên các chuyến xe để kết nối với công an phường; có chương trình phát thanh trên xe để cảnh báo các đối tượng sàm sở.
Đồng quan điểm vấn đề này, đồng chí Nguyễn Thị Quyết Tâm cho rằng sở Giao thông Vận tải TP cần chủ động tăng chuyến cho phù hợp, không để khách phải chờ.
“Khi đến trạm thì lái xe, nhân viên phục vụ trên xe cần nhẹ nhàng nhắc nhở khách chứ không nên la ó, nhất là với người già, phụ nữ, người khuyết tật và trẻ em. Bản thân tôi,  một lần đi khảo sát cũng từng bị nhân viên phục vụ la mắng khi tới trạm dừng mà không chịu đứng dậy”, đồng chí Chủ tịch HĐND TP bày tỏ.
Đến thời điểm này, trên 50% xe buýt đã được thay mới, có đầy đủ hệ thống đèn báo trạm, camera để giúp phát hiện các vụ vi phạm. Ngoài ra, người dân có thể phản ánh đến số điện thoại 1022 để báo tình trạng tài xế vi phạm, khách đông mà xe ít để sở chủ động tăng thêm xe.
Nhìn nhận vấn đề này, đại diện Sở Giao thông Vận tải cho biết thời gian qua đã tăng số lượng xe để phục vụ người dân, trong đó ưu tiên học sinh, phụ nữ, thương bệnh binh.
Về vấn đề bạo lực gia đình, bà Nguyễn Thị Thanh Luận, Chủ tịch hội LHPN quận Thủ Đức cho rằng đây là vấn nạn của xã hội và để lại hậu quả nạng nề. Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương quan tâm, nhưng khách quan thì các chủ trương chưa đi vào đời sống người dân. “Bằng chứng là khi bị bạo hành họ không dám lên tiếng, chỉ biết cam chịu. Nhiều người đến cơ sở y tế khám chữa bệnh, các nhân viên y tế chính là người phát hiện ra họ bị bạo hành", bà Nguyễn Thị Thanh Luận nói.

Liên quan đến vấn đề bạo hành, bà Ngô Thị Phương Lan, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học KHXH&NV TPHCM cho rằng các tổ chức đại diện tiếng nói của phụ nữ và trẻ em còn hoạt động mang tính chất hành chính. Nhiều phụ nữ yếu thế rất dè dặt và khó tiếp cận để nhờ giúp đỡ. Theo bà Phương Lan, lãnh đạo TP cần đánh giá lại các chính sách để có giải pháp phù hợp.

Theo bà Lê Thị Mỹ Châu, Chủ tịch công đoàn ngành y tế TPHCM, hiện 100% cơ sở y tế có hỗ trợ chị em bị bạo hành. Sở Y tế đã có chỉ đạo các cơ sở y tế tiếp đón các nạn nhân, bảo đảm nhanh chóng kịp thời trong thăm khám.

“Họ là những bệnh nhân đặc biệt nên chúng tôi đã dùng khả năng của mình để nhận biết các dấu hiệu trên cơ thể mà chăm sóc tốt. Chúng tôi cũng có phối hợp các cơ quan chức năng để tạo điều kiện cho chị em tạm lánh. Theo tôi, đây không chỉ là trách nhiệm của xã hội mà các thành viên trong gia đình cần lên tiếng để giúp phụ nữ và trẻ em gái tránh bị bạo hành”, bà Châu chia sẻ.

Bên cạnh đó, các ý kiến liên quan đến văn hóa nghệ thuật, môi trường giáo dục, lo ngại về vấn nạn bạo lực học đường, dạy trẻ kỹ năng sống, chăm lo đời sống nữ công nhân, phát triển đô thị thông minh, giúp phụ nữ tránh bị lừa đảo, mua bán qua mạng… cũng được các đại biểu chia sẻ tại buổi gặp gỡ.

Phát biểu tại buổi gặp gỡ, đối thoại với hơn 130 cán bộ, hội viên phụ nữ tiêu biểu trên địa bàn TP, đồng chí Trần Vĩnh Tuyến nhấn mạnh, lãnh đạo TP luôn xem trọng vai trò của phụ nữ trong sự phát triển chung của TP.

“Người phụ nữ không chỉ là người lao động, nghệ sĩ, doanh nhân, trí thức, mà hơn hết họ còn là người mẹ, người vợ, người đóng vai trò quan trọng trong xã hội này. Việc bảo vệ cũng như tạo môi trường sống an toàn, thân thiện cho phụ nữ và trẻ em cần cả hệ thống chính trị vào cuộc. Tôi không muốn những lời hứa trong buổi tọa đàm chỉ là lời hứa suông, mà các sở ngành đoàn thể cần chung tay thực hiện bằng hành động cụ thể”, đồng chí Trần Vĩnh Tuyến đề nghị.
Ở mỗi lĩnh vực, phụ nữ trang bị được kỹ năng cần thiết để vượt lên chính mình, hiểu giá trị bản thân, biết cần làm gì để cuộc sống tốt hơn. Thời gian tới lãnh đạo TP sẽ nghe, suy nghĩ và hành động nhiều hơn để phụ nữ có môi trường sống tốt, tạo thuận lợi để phụ nữ và trẻ em có điều kiện đóng góp cho xã hội.
Đồng chí Nguyễn Thị Quyết Tâm cũng nhìn nhận những thiếu sót của HĐND thời gian qua chưa chạm tới hết cuộc sống của người phụ nữ và trẻ em. Phụ nữ TPHCM rất năng động, từ sự đóng góp của các các chị, đồng chí Quyết Tâm nhận thấy chất lượng sống của phụ nữ TP ngày càng được nâng lên.
Thay mặt lãnh đạo TP, đồng chí Võ Thị Dung bày tỏ niềm tự hào về những phẩm chất tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam nói chung và phụ nữ TPHCM thời gian qua đã xứng đáng với danh hiệu năng động, trí tuệ, trung hậu, đảm đang, góp phần cùng Đảng bộ TP xây dựng TPHCM trở thành thành phố có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình.
Ngoài 5 hoạt động chính được đề ra trong chương trình thí điểm thành phố an toàn, thân thiện với phụ nữ và trẻ em gái, đồng chí Võ Thị Dung đề nghị các Sở, ngành ghi nhận các ý kiến, xây dựng kế hoạch để thực hiện một cách có hiệu quả và nhanh nhất các hoạt động.

Tin cùng chuyên mục