TPHCM: Hướng dẫn xử lý khi phát hiện nhiều F0 tại cơ sở giáo dục

UBND TPHCM vừa có văn bản khẩn gửi Sở GD-ĐT, Sở Y tế, UBND TP Thủ Đức và 21 quận, huyện về hướng dẫn kiểm soát dịch Covid-19 trong các cơ sở giáo dục.
Theo đó, nếu trong cùng một ngày, lớp học phát hiện từ 2 F0 trở lên thì Ban chỉ đạo phòng chống dịch của cơ sở giáo dục căn cứ vào kết quả điều tra dịch tễ để quyết định hình thức học tập tiếp theo của các học sinh còn lại trong lớp.
Tình huống xuất hiện nhiều F0 hơn, nếu trong cùng một ngày, cơ sở giáo dục phát hiện từ 2 lớp có F0 trở lên thì Ban chỉ đạo phòng chống dịch cấp quận, huyện căn cứ vào kết quả điều tra dịch tễ để quyết định hình thức học tiếp theo của trường.
Ngoài ra, trường hợp phát hiện học sinh là F0 tại nhà, phụ huynh cho học sinh nghỉ học, thông báo ngay cho nhà trường kèm theo kết quả xét nghiệm hoặc xác nhận của Trạm y tế cấp phường, xã nơi học sinh cư trú. Cơ sở giáo dục phối hợp với Trạm y tế cấp phường, xã tiến hành truy vết F1 liên quan và xử lý các trường hợp F1 theo quy định.
Đối với cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, người lao động khi có triệu chứng nghi nhiễm cũng được xử lý theo quy trình tương tự học sinh là F0. 
Hướng dẫn nhằm tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị trường học trong bối cảnh số ca nhiễm ngày càng tăng cao ở TPHCM, trong đó số ca nhiễm cao nhất ở hai bậc tiểu học và THCS.
TPHCM: Hướng dẫn xử lý khi phát hiện nhiều F0 tại cơ sở giáo dục ảnh 1 Theo quy định mới của Bộ Y tế, khi phát hiện một trường hợp F0 trong lớp học thì không phải toàn bộ học sinh của lớp đó (trừ bậc mầm non) đều là F1
Trước đó, theo quy định của Bộ Y tế, F0 được xác định là người có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 bằng phương pháp PCR hoặc người có kết quả xét nghiệm nhanh kháng nguyên dương tính, đồng thời có ít nhất 2 trong số các biểu hiện lâm sàng như sốt, ho, đau họng, chảy nước mũi, nghẹt mũi, đau người, mệt mỏi, ớn lạnh, giảm hoặc mất vị giác, khứu giác, đau nhức đầu, tiêu chảy, khó thở, viêm đường hô hấp và có yếu tố dịch tễ. 
Ngoài ra, trường hợp có kết quả xét nghiệm nhanh kháng nguyên dương tính 2 lần liên tiếp (xét nghiệm lần 2 trong vòng 8 giờ kể từ khi có kết quả xét nghiệm lần 1) và có yếu tố dịch tễ cũng được xác định là F0. 
Khi phát hiện học sinh có ít nhất 2 trong số các biểu hiện lâm sàng nói trên, cơ sở giáo dục khẩn trương đánh giá tình trạng sức khỏe học sinh, yêu cầu các em đeo khẩu trang y tế và dừng các hoạt động có tiếp xúc với người khác. 
Giáo viên, người chăm sóc thông báo ngay đến Ban chỉ đạo/Tổ An toàn phòng chống dịch Covid-19 của cơ sở giáo dục để xử lý theo quy định.
Cũng theo quy định của Bộ Y tế, F1 được xác định là người có tiếp xúc cơ thể trực tiếp (bắt tay, ôm, hôn, tiếp xúc trực tiếp với da...) với F0; người đeo khẩu trang có tiếp xúc hoặc giao tiếp trong vòng 2 mét hoặc trong cùng không gian hẹp, kín trong thời gian tối thiểu 15 phút với ca nhiễm bệnh. 
Riêng đối với khối mầm non, nhà trẻ, do trẻ chưa có ý thức tuân thủ 5K, khả năng tiếp xúc giữa các trẻ khi học tập, vui chơi tại lớp rất lớn nên khi có một ca xét nghiệm nhanh kháng nguyên dương tính thì toàn bộ học sinh trong cùng lớp được xác định là F1.

Tin cùng chuyên mục