Kiểm tra đột xuất việc xử lý tiếng ồn
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan cho rằng, việc xử lý vi phạm về tiếng ồn cần phải triển khai toàn diện và chia làm 2 giai đoạn. Việc quan trọng đầu tiên TPHCM làm là vận động người dân, doanh nghiệp hiểu và cam kết không gây ra tiếng ồn làm ảnh hưởng cuộc sống người dân xung quanh. Công việc này thực hiện từ nay đến ngày 23-5 (giai đoạn 1). Từ sau ngày 23-5 (giai đoạn 2), các cơ quan chức năng kiểm tra, xử phạt hành chính nghiêm các hành vi vi phạm về tiếng ồn.
Ông Võ Văn Hoan nhắc nhở các địa phương về việc bao biện, lấy cớ không có máy đo xác định cường độ âm thanh và không xử lý. Theo ông, trong thực tế, một hành vi đó có thể vận dụng nhiều quy định khác nhau để xử lý. Cụ thể, theo ông Võ Văn Hoan, các sở ngành, quận huyện, phường xã cần áp dụng nhuần nhuyễn, bổ sung các quy định và chủ động kiểm tra, xử lý.
Đồng thời, Sở TN-MT TPHCM được giao thành lập tổ công tác, chọn điểm đi kiểm tra đột xuất. Nếu phát hiện bất kỳ cơ sở nào có vi phạm thì chủ tịch UBND quận huyện phải chịu trách nhiệm. Ngoài ra, Sở TT-TT TPHCM (đơn vị quản lý trực tiếp tổng đài 1022) hàng ngày phải báo cáo với UBND TPHCM về tình hình tiếp nhận phản ánh của người dân về tiếng ồn và kết quả xử lý của các địa phương, nêu rõ địa phương nào xử lý, địa phương nào không.
Mức phạt chưa đủ răn đe
Tại cuộc họp, ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, cho biết, tiếng ồn có hại đối với sức khỏe. Tiếng ồn gây hại đầu tiên là ảnh hưởng tâm lý và từ tâm lý bức xúc nếu cộng thêm bia rượu có thể dẫn tới xô xát, ảnh hưởng tính mạng. Ngoài ra, cường độ âm thanh từ 80dB trở lên thì có thể gây điếc.
Về công tác tuyên truyền, xử phạt vi phạm về tiếng ồn trên địa bàn TPHCM, theo báo cáo của các quận huyện, các địa phương đã xử phạt 141 trường hợp với số tiền hơn 818 triệu đồng. Tuy nhiên, chỉ có 20/141 trường hợp vi phạm tiếng ồn trong sinh hoạt của khu dân cư bị xử phạt với số tiền 2,6 triệu đồng.
Nêu thực tiễn xử lý vi phạm về tiếng ồn, Chủ tịch UBND quận 12 Lê Trương Hải Hiếu cho rằng, khó nhất là có được chứng cứ quả tang để xử lý. Tuy nhiên, cán bộ phường vẫn có thể làm được nếu được đào tạo một khóa về thẩm định tiếng ồn. Trên địa bàn quận Bình Thạnh, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Thạnh, ông Hồ Phương, nêu thực trạng khi lực lượng chức năng tới nơi gây ra tiếng ồn thì nơi đó e dè hơn và mọi việc lại như cũ khi cán bộ đi. Tuy nhiên, mức xử phạt 200.000 đồng/vụ việc là chưa đủ sức răn đe. Ông Hồ Phương cũng kiến nghị, có giải pháp xử lý hiệu quả đối với các hoạt động gây tiếng ồn lưu động, mở loa chạy hết nơi này đến nơi nọ.
Để nâng cao hiệu quả xử phạt, Sở TN-MT nêu ra 2 giải pháp về tuyên truyền, vận động (giai đoạn 1) và tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm (giai đoạn 2). Trong đó, ngành công an tăng cường kiểm tra, xử lý các quán nhậu, quán ăn có sử dụng loa để phát nhạc gây ồn, bị người dân phản ánh; có sử dụng loa kéo để hát karaoke. Bên cạnh việc kiểm tra tiếng ồn, còn kiểm tra việc chấp hành quy định trong các lĩnh vực khác như giao thông, đăng ký kinh doanh, PCCC... TP Thủ Đức và các quận huyện, phường xã, thị trấn, khu phố xử lý kịp thời phản ánh về tiếng ồn.
Theo Giám đốc Sở VH-TT TPHCM Trần Thế Thuận, việc đưa ra quy ước, hương ước đã làm rồi, nhưng chưa có hiệu quả. Ở cơ sở, có 90% hộ gia đình văn hóa và trên 90% khu dân cư văn hóa, trong các tiêu chuẩn xét gia đình văn hóa, khu phố văn hóa có xét tới việc xả rác, gây ô nhiễm môi trường, vi phạm pháp luật… nhưng chưa nhận diện việc gây tiếng ồn. Ngành VH-TT nghiêm túc rút kinh nghiệm về việc này và sẽ xem lại, đưa vấn đề tiếng ồn khi xét tặng danh hiệu gia đình văn hóa, khu phố văn hóa. |