TPHCM sẵn sàng phương án điều trị 6.000 ca bệnh sốt xuất huyết

Ngày 15-7, Sở Y tế TPHCM cho biết, vừa ban hành kế hoạch đảm bảo công tác thu dung, điều trị sốt xuất huyết (SXH) trên địa bàn TPHCM.

Theo đó, thành phố dự tính chia thành 3 tình huống để xây dựng kịch bản ứng phó, cụ thể:

Tình huống 1: số ca nhập viện mỗi ngày dưới 300 ca, dưới 2.000 ca điều trị nội trú và dưới 200 ca nặng tại các bệnh viện. Các bệnh viện sẽ chuẩn bị 2.405 giường bệnh SXH và 260 giường hồi sức. Bệnh nhân nặng là người lớn sẽ ưu tiên điều trị tại bệnh viện bộ ngành, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM, Bệnh viện Trưng Vương, Bệnh viện Đa khoa của thành phố. Đối với trẻ em, chuyển bệnh viện chuyên khoa nhi. 

Tình huống 2: số ca nhập viện từ 300-600 ca mỗi ngày, 2.000- 4.000 ca điều trị nội trú và 200-400 ca nặng tại các bệnh viện. Tiếp tục mở rộng quy mô giường bệnh điều trị và hồi sức tại các bệnh viện công lập.

Tổng số giường điều trị SXH trong giai đoạn này là 4.000 giường, 410 giường hồi sức. Các bệnh viện đa khoa có chuyên khoa nhi sẽ tiếp nhận bệnh nhi có chỉ định nhập viện nhưng chưa chuyển nặng.

Tình huống 3: số ca nhập viện mỗi ngày từ 600-900 ca, 4.000-6.000 ca đang điều trị nội trú và 400-600 ca nặng tại các bệnh viện. Tiếp tục mở rộng quy mô giường bệnh. Tổng số giường điều trị SXH trong giai đoạn này là 6.000 giường, 605 giường hồi sức (trong đó có 210 giường tại các bệnh viện chuyên khoa nhi).

TPHCM sẵn sàng phương án điều trị 6.000 ca bệnh sốt xuất huyết ảnh 1 Lãnh đạo UBND TPHCM kiểm tra công tác phòng chống SXH trên địa bàn quận Bình Tân

Bên cạnh đó, ngành y tế thành phố cũng chuẩn bị nhân lực y tế, cần 1 bác sĩ, 2 điều dưỡng để chăm sóc 30 người bệnh SXH có dấu hiệu cảnh báo; 1 bác sĩ, 2 điều dưỡng sẽ chăm sóc 5 người bệnh SXH nặng.

Do đó, trong tình huống 1, khi thành phố có dưới 2.000 ca đang điều trị nội trú: cần 300 bác sĩ và 600 điều dưỡng chăm sóc người bệnh, 160 bác sĩ chuyên khoa hồi sức và 320 điều dưỡng chăm sóc người bệnh nặng.

Trong tình huống 2, khi thành phố có từ 2.000-4.000 ca đang điều trị nội trú: cần có 550 bác sĩ và 1.100 điều dưỡng chăm sóc người bệnh, 320 bác sĩ chuyên khoa hồi sức và 640 điều dưỡng chăm sóc người bệnh nặng.

Trong tình huống 3, khi thành phố có từ 4.000-6.000 ca đang điều trị nội trú: cần có 800 bác sĩ và 1.600 điều dưỡng chăm sóc người bệnh SXH, 480 bác sĩ chuyên khoa hồi sức và 960 điều dưỡng chăm sóc người bệnh nặng.

Hiện các bệnh viện có 142 bác sĩ có chứng chỉ hành nghề chuyên khoa truyền nhiễm và 2.704 bác sĩ được tập huấn điều trị SXH; 2.651 điều dưỡng được tập huấn theo dõi chăm sóc người bệnh SXH; 591 bác sĩ được tập huấn hồi sức cấp cứu; 2.150 điều dưỡng được tập huấn chăm sóc người bệnh nặng.

Ngoài ra, các bệnh viện cũng chuẩn bị dịch truyền, máu sẵn sàng theo quy định. Việc phân tuyến điều trị SXH theo 3 mức độ cũng đã được ban hành, đảm bảo điều trị hiệu quả và tránh quá tải.

Cùng ngày, Sở Y tế TPHCM đã có văn bản khẩn gửi các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố về việc phân tuyến điều trị người bệnh SXH. Theo đó, Sở Y tế yêu cầu Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM, Trưng Vương, Nhi đồng 1, Nhi đồng 2, Nhi đồng Thành phố, Bệnh viện Đa khoa Thành phố tập trung nguồn lực để thu dung, điều trị những trường hợp SXH nặng.

Hỗ trợ chuyên môn điều trị SXH cho bệnh viện tuyến dưới, tiếp tục triển khai hội chẩn liền viện hoặc cử bác sĩ hỗ trợ điều trị tại chỗ khi cần thiết. Đồng thời, hạn chế vận chuyển người bệnh vượt tuyến, trừ trường hợp quá khả năng điều trị.

Khi vượt quá khả năng điều trị, cần chuyển người bệnh lên tuyến trên phải thông báo trước với đơn vị tiếp nhận để chuẩn bị: Ghi chép đầy đủ các thông tin về diễn biến lâm sàng, các kết quả xét nghiệm, các phương pháp điều trị và các thuốc đã sử dụng. Thực hiện chế độ tham vấn của tuyến trên, hội chẩn liên khoa, liên viện để giải quyết các trường hợp khó, các trường hợp chuyển viện.

Sở Y tế TPHCM yêu cầu, Bệnh viện Nhi đồng 1 hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật, chỉ đạo tuyến và huấn luyện về điều trị SXH ở trẻ em cho 8 cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn quận 5, 8, 10, 11, 12, Tân Bình, huyện Hóc Môn, huyện Củ Chi.

Bệnh viện Nhi đồng 2 hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật, chỉ đạo tuyến và huấn luyện về điều trị SXH ở trẻ em cho 8 cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn quận 1, 3, 4, 7, Phú Nhuận, Gò Vấp, Bình Thạnh, TP Thủ Đức.

Bệnh viện Nhi đồng Thành phố hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật, chỉ đạo tuyến và huấn luyện về điều trị SXH ở trẻ em cho 6 cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn quận 6, Bình Tân, Tân Phú, huyện Bình Chánh, Cần Giờ, Nhà Bè.

Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật, chỉ đạo tuyến và huấn luyện về điều trị SXH cho tất cả các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn thành phố.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM, tính đến ngày 11-7, TPHCM đã ghi nhận 26.138 ca mắc SXH đến khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế, tăng 228% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó có 2.009 ca nhập viện điều trị nội trú. Đáng chú ý, số ca chuyển nặng và tử vong cũng tăng cao so với cùng kỳ và trung bình giai đoạn 2016 - 2020 với 12 trường hợp tử vong.

Tin cùng chuyên mục