Phòng chống dịch cúm gia cầm

TPHCM tặng bằng khen 22 tập thể

TPHCM tặng bằng khen 22 tập thể

Ngày 14-2, UBND TPHCM ký quyết định tặng bằng khen cho 22 tập thể có nhiều thành tích xuất sắc trong công tác phòng chống dịch cúm gia cầm, thủy cầm trên địa bàn TP (từ tháng 12-2004 đến tháng 2-2005).

TPHCM tặng bằng khen 22 tập thể ảnh 1

Giết mổ có kiểm dịch là điều kiện bắt buộc khi đưa các sản phẩm gia cầm ra thị trường tại TP.HCM  

Phát biểu tại buổi khen thưởng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, các đơn vị đã có những đóng góp rất lớn trong việc chủ động phòng chống dịch cúm gia cầm, nhất là khối nông nghiệp, điển hình là Chi cục Thú y, góp phần ngăn chặn và giảm nguy cơ thiệt hại thấp nhất nhờ đề ra những biện pháp kịp thời như giảm đàn để giảm nguy cơ lây lan, giảm thiệt hại, tìm cách tiêu thụ gia cầm không nhiễm bệnh.

Đồng chí cho biết, ngày 23-2, TPHCM sẽ tổ chức hội thảo quốc tế về dịch cúm gia cầm với sự tham gia khoảng 10 nước trong khu vực. Các đơn vị được khen thưởng: Sở NNPTNT, Sở Y tế, Công an TP, Chi cục Quản lý thị trường, 2 công ty tư nhân tham gia mua, giết mổ, dự trữ gia cầm... Riêng Chi cục Thú y TP được tặng bằng khen bảo vệ phòng chống dịch cúm gia cầm và bằng khen góp phần phục vụ tết nên được thưởng đặc cách 20 triệu đồng.

 Ngày 14-2, Cục Thú y (Bộ NN-PTNT) cho biết, trong thời gian cuối tháng 2-2005, lực lượng thú y sẽ tổ chức đợt tổng vệ sinh tiêu độc khử trùng tại những điểm nóng về dịch cúm xảy ra từ đầu năm 2005. Đồng thời, chuẩn bị các điều kiện cơ sở vật chất nhằm phục hồi dần việc chăn nuôi trở lại đàn gia cầm. Vẫn theo Cục Thú y, đến hết ngày 13-2, chỉ có thêm 7 điểm phát dịch ở 6 xã thuộc 6 huyện của 5 tỉnh là Long An, Bình Dương, Bến Tre, Trà Vinh và Bắc Ninh. Số gia cầm chết và tiêu hủy tại những địa điểm trên là 2.201 gà và 2.275 vịt.

Trong thời gian sau 21 ngày qua không phát thêm điểm dịch có các tỉnh: Kiên Giang, Ninh Bình, Hà Nam, Bình Phước, Ninh Thuận, TP Hồ Chí Minh và Lâm Đồng. Ngoài ra, tại tỉnh Long An đã có 65/96 xã thuộc 12 huyện không phát thêm dịch từ 10 ngày đến 34 ngày. Tại Hậu Giang đã có 30/33 xã thuộc 5 huyện, thị không phát thêm dịch từ 20 ngày đến 60 ngày.  T.N 

Theo ông Nguyễn Phước Thảo, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP, trong công tác phòng chống dịch cúm gia cầm đợt này, TP có nhiều kinh nghiệm hơn, trang thiết bị được đầu tư nâng cấp nhiều hơn, lãnh đạo TP chỉ đạo quyết liệt hơn, đặc biệt lần này có sự tham gia tích cực của 2 công ty tư nhân trong việc giết mổ, tiêu thụ và dự trữ gia cầm (cấp đông) nên việc phòng chống không còn bị động, và được xem là hoàn thành cơ bản nhiệm vụ.

Trong đó, vừa bảo vệ đàn gia cầm nuôi quy mô lớn, vừa giảm mật độ đàn gia cầm ở những hộ nuôi quy mô nhỏ lẻ và góp phần rất lớn vào việc phá vỡ tình trạng “đóng băng” thị trường gia cầm TP nhờ kịp thời thông tin về việc tổ chức thu mua, giết mổ và giới thiệu những thương hiệu rõ ràng, giúp người tiêu dùng an tâm.

Giám đốc Công ty TNHH Phú An Sinh cho biết, đến nay công ty mua và giết mổ trên 60.000 con gà các loại, trong đó, tiêu thụ hết trên 40.000 con, dự trữ (cấp đông) gần 20.000 con.

Việc tiêu thụ gia cầm an toàn bắt đầu phục hồi từ trước Tết, giá gia cầm đã tăng trở lại, trong đó, trứng gia cầm (gà, vịt) tăng thêm 300 đồng- 400 đồng/quả, lên trên 1.000 đồng/ trứng vịt và 1.500 đồng/trứng vịt; gà thả vườn tăng 4.000 – 5.000 đồng/kg, lên 15.000 đồng/kg, gà công nghiệp ở mức 7.000 – 10.000 đồng/kg tùy loại. Theo Công ty TNHH Huỳnh Gia Huynh Đệ, giá vịt thịt hiện nay trên 15.000 đồng/ tại ruộng, gần bằng giá bán trước khi có dịch xảy ra và có khả năng tiếp tục tăng cao hơn trong thời gian tới.

C.P.

Tin cùng chuyên mục