TPHCM và TP Osaka (Nhật Bản) hợp tác để giảm thiểu ô nhiễm môi trường

Trong nhiều năm qua, cùng với quá trình đổi mới, phát triển, TPHCM đã huy động nhiều nguồn lực trong xã hội để tập trung thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường. Mặc dù đã đạt được những kết quả nhất định, song tình trạng ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố vẫn còn diễn biến phức tạp. Mới đây lãnh đạo TPHCM và các chuyên gia môi trường đến từ Bộ Môi trường Nhật Bản đã bắt tay vào nghiên cứu phương án hỗ trợ TPHCM các giải pháp bảo vệ môi trường hướng đến phát triển xanh.
TPHCM và TP Osaka (Nhật Bản) hợp tác để giảm thiểu ô nhiễm môi trường

Trong nhiều năm qua, cùng với quá trình đổi mới, phát triển, TPHCM đã huy động nhiều nguồn lực trong xã hội để tập trung thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường. Mặc dù đã đạt được những kết quả nhất định, song tình trạng ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố vẫn còn diễn biến phức tạp. Mới đây lãnh đạo TPHCM và các chuyên gia môi trường đến từ Bộ Môi trường Nhật Bản đã bắt tay vào nghiên cứu phương án hỗ trợ TPHCM các giải pháp bảo vệ môi trường hướng đến phát triển xanh.

Ưu tiên các lĩnh vực trọng điểm

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) TPHCM, trong kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu của TPHCM, 10 lĩnh vực sẽ được thành phố ưu tiên phát triển là quy hoạch, năng lượng, giao thông vận tải, quản lý nguồn nước, nông nghiệp, y tế - sức khỏe cộng đồng, quản lý chất thải. Đặc biệt, để giảm thiểu ô nhiễm môi trường và giảm ngập cho thành phố, theo quyết định của Thủ tướng đến năm 2020, TPHCM cần phải chia thành 12 vùng hệ thống thoát nước thải. Và tại mỗi vùng cần thiết phải xây dựng nhà máy xử lý nước thải đô thị. Tuy nhiên, ngân sách thành phố không đủ khả năng thực hiện mà cần thiết phải có sự tham gia hỗ trợ của quốc tế hoặc xã hội hóa đầu tư. Trên thực tế, Nhật Bản cũng đã và đang có rất nhiều kinh nghiệm trong việc hỗ trợ cho thành phố phát triển thích ứng với biến đối khí hậu, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Theo đó, Chính phủ Nhật Bản đã hỗ trợ 8.2 tỷ yên để cải thiện các thiết bị xử lý nước thải và xử lý ô nhiễm kênh Bến Nghé.

Xử lý rác thải hữu cơ để phát điện tại chợ Bình Điền là một trong những hợp tác về môi trường giữa TPHCM và thành phố Osaka. Trong ảnh: Thu gom rác hữu cơ tại chợ Bình Điền. Ảnh: CAO THĂNG

Xuất phát từ thực tế TP Osaka Nhật Bản có nhiều nét tương đồng với TPHCM nên đại diện hai thành phố đã thống nhất hợp tác hỗ trợ nhau cùng phát triển bền vững. Theo đó, thành phố Osaka sẽ hỗ trợ TPHCM triển khai các chương trình quản lý tổng hợp chất thải bao gồm thu hồi năng lượng, triển khai thí điểm chương trình phân loại chất thải rắn tại nguồn ở phường Bến Nghé (quận 1) và chương trình phát triển thành phố phát thải carbon thấp; thực hiện chương trình TPHCM phát triển hướng về phía biển thích ứng với biến đổi khí hậu… Nhận định về sự hợp tác này, ông Nguyễn Văn Phước, Phó giám đốc Sở TN-MT TPHCM cho biết, Osaka là một trong những thành phố, trung tâm kinh tế lớn và là một thành phố xanh, sạch, đẹp nổi tiếng của Nhật Bản. Việc lựa chọn Osaka là đối tác hợp tác sẽ giúp xây dựng TPHCM tiếp tục phát triển theo hướng xanh, sạch đẹp và giữ vững vị trí đầu tàu của nền kinh tế cả nước. Tuy nhiên, để triển khai các dự án một cách toàn diện, không chỉ dừng lại sự hợp tác giữa cấp thành phố với thành phố, mà còn cần có sự hợp tác giữa các trung tâm nghiên cứu và đào tạo, giữa các doanh nghiệp và giữa các cụm dân cư với nhau. Điều này sẽ góp phần quan trọng cho việc xây dựng xã hội ít phát thải carbon tại TPHCM.

Xây dựng cơ chế thuận lợi nhất để kêu gọi đầu tư

Song song đó, để tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư Nhật Bản nói chung và TP Osaka nói riêng khi tham gia đầu tư tại TPHCM, thành phố sẽ không ngừng sửa đổi chính sách, cải cách thủ tục hành chính. Theo đó, bên cạnh việc thực thi các chính sách của Trung ương như áp dụng các luật mới liên quan đến đầu tư đã được sửa đổi theo hướng công khai, minh bạch, đơn giản hóa thủ tục; thực hiện lộ trình giảm thuế thu nhập doanh nghiệp xuống từ 22% xuống còn 20% đến năm 2016… thì thành phố tiếp tục đẩy mạnh cải tạo cơ sở hạ tầng như triển khai và đưa vào hoạt động các tuyến metro, monorail; hoàn thiện các tuyến đường vành đai; đẩy nhanh tiến độ di dời và phát triển hệ thống cảng biển; đầu tư tạo quỹ đất thuận lợi cho nhà đầu tư bằng cách hoàn thiện quy hoạch và xây dựng cơ sở hạ tầng các khu Công nghệ cao 2, Khu đô thị cảng Hiệp Phước…
 
Phó bí thư Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Tất Thành Cang nhấn mạnh, trong thời gian tới, thành phố sẽ có các hành động tích cực hơn nữa như xây dựng khung pháp lý cần thiết cho việc xây dựng và thực hiện các dự án hợp tác. Đồng thời, xúc tiến tăng cường hơn nữa việc duy trì thực hiện các đối thoại chính sách cấp thị trưởng - Chủ tịch UBND thành phố cùng các cuộc trao đổi định kỳ ở cấp chuyên viên nhằm tháo gỡ kịp thời các khó khăn cũng như mở ra các cơ hội hợp tác, đầu tư hai bên.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Seigo Tanaka, Phó thị trưởng thành phố Osaka cũng cho biết, hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản trong lĩnh vực bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu sẽ ngày càng được mở rộng và phát triển mạnh mẽ. Trước hết, hiện hai quốc gia đã ký kết thỏa thuận hợp tác về cơ chế tín chỉ chung JCM. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận và sử dụng nguồn vốn hỗ trợ của Chính phủ Nhật Bản để có được các công nghệ tiên tiến, ít phát thải carbon, nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Mặt khác, thành phố Osaka sẽ tăng cường chuyển giao kiến thức, kinh nghiệm, kỹ thuật, hệ thống quản lý và phát triển đô thị mà thành phố Osaka đang sở hữu và thực hiện hỗ trợ chính sách một cách tổng hợp. Không dừng lại ở đó, thành phố Osaka sẽ kết nối với các doanh nghiệp tư nhân và các đối tác khác để lập kế hoạch cơ chế tài chính và các sáng kiến khác phù hợp với TPHCM nhằm thực hiện các dự án hợp tác theo cơ chế tín chỉ chung.


MINH XUÂN - MINH HẢI

Tin cùng chuyên mục