Núi Nài nằm sát đường nội thành 26-3 về hướng Đông Nam, gần với sông Phủ và tuyến quốc lộ 1A. Núi không cao, không có hang động huyền bí, nhưng một thời là địa danh cư trú của người tiền sử, là trận địa pháo của quân và dân Hà Tĩnh chống đế quốc Mỹ (1965 - 1972), đặc biệt ngày 26-3-1965 tại Núi Nài, quân đội ta đã bắn rơi 9 máy bay của Mỹ. Núi Nài được ví như hòn non bộ của TP Hà Tĩnh.
Vậy mà hàng chục năm nay, ngay trên đỉnh Di tích lịch sử văn hóa Núi Nài đã bị công trình đài cấp nước sạch cao hàng chục mét xây dựng choán hết và phá vỡ cảnh quan, không gian của di tích. Đài cấp nước sạch xây dựng từ năm 1996, do Công ty cổ phần Cấp nước Hà Tĩnh làm chủ đầu tư, vốn đầu tư gần 3 tỷ đồng, trích từ nguồn vốn do Australia tài trợ, với mục đích điều hòa áp lực nước, cung cấp nước sạch cho người dân TP Hà Tĩnh. Đến năm 2000, công trình hoàn thành đưa vào sử dụng nhưng không phát huy được hiệu quả và bỏ hoang cho đến nay. Do đó, nơi đây đã trở thành “bãi đáp” của các đối tượng nghiện ma túy. Hình ảnh đài cấp nước bỏ hoang đã khiến cho khu di tích này trở nên nhếch nhác và mất mỹ quan đô thị trung tâm TP Hà Tĩnh. Không chỉ có vậy, ngay dưới gần đài cấp nước, xung quanh khu vực chùa Cảm Sơn, hiện đang được chùa triển khai thi công xây dựng mới thêm tòa nhà cao tầng đồ sộ.
Theo người dân ở TP Hà Tĩnh, Di tích lịch sử văn hóa Núi Nài cần phải có quy hoạch, có không gian phù hợp. Ngành chức năng nên tiến hành tháo dỡ công trình đài cấp nước và xây dựng không gian bảo tàng để lưu lại chứng tích lịch sử, có thể bố trí các hiện vật thời chiến như: trạm radar, xác máy bay, xe tăng, pháo cao xạ... Đồng thời không nên xây dựng các công trình cao tầng xung quanh khu vực Núi Nài, vì sẽ che khuất, ảnh hưởng đến cảnh quan, ý nghĩa di tích lịch sử văn hóa…
Ông Nguyễn Trí Sơn, nguyên Giám đốc Bảo tàng tỉnh Hà Tĩnh, cho biết, Núi Nài rất có ý nghĩa nên quan điểm của ngành văn hóa là cần xây dựng trên đó bia di tích chiến tranh hoặc tượng đài chiến thắng thì hợp lý hơn. “Hồi xưa khi làm hồ sơ để xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa Núi Nài cũng bị vướng mắc bởi công trình đài cấp nước đã xây dựng từ trước đó nên đành phải chấp nhận. Thế nhưng, đài cấp nước đã bỏ hoang từ lâu, do đó nên tháo dỡ để trả lại cảnh quan cho di tích….”, ông Sơn cho biết.
Về việc chùa Cảm Sơn đang xây dựng công trình tòa nhà cao tầng, ông Nguyễn Tùng Lĩnh, Trưởng phòng Quản lý di sản (Sở VH-TT-DL tỉnh Hà Tĩnh) cho biết: “Nếu phía nhà chùa xây dựng cơ sở hạ tầng nằm trong phạm vi khoanh vùng khu vực 1, khu vực 2 của di tích Núi Nài thì phải có hồ sơ xin phép cơ quan chức năng. Chúng tôi xem xét hồ sơ mới biết được sự việc như thế nào và sẽ kiểm tra rồi mới có câu trả lời…”.