Trà Vinh: Đê biển kêu cứu!

Trà Vinh: Đê biển kêu cứu!

Đê biển Hiệp Thạnh (Trà Vinh) ngày càng sạt lở nghiêm trọng, ảnh hưởng tới tài sản và tính mạng hàng trăm hộ dân nên dân ngày ngày kêu cứu. Nhưng, xem ra người dân nơi đây phải sống lâu dài trong nguy hiểm vì dự án xây dựng kiên cố tuyến đê biển phòng hộ trên vẫn còn nằm trên giấy… 

Đến hẹn lại lên
 

Trà Vinh: Đê biển kêu cứu! ảnh 1
Rọ đá và thân đê chắn sóng biển bị sạt lở nghiêm trọng

Trước xuân  Mậu Tý, do ảnh hưởng gió chướng và triều cường dâng cao,  tuyến đê biển xã Hiệp Thạnh đã bị  sạt lở một đoạn dài 120m, lấn sâu vào thân đê khoảng 4-5m và làm gãy ngã hơn 200 cây phi lao khoảng 10 năm tuổi...

Trước tình hình trên, UBND huyện Duyên Hải đã xuất 30 triệu đồng để duy tu lại tuyến đê nhưng tuyến đê này vẫn bị vỡ. Mới đây, từ ngày 5 đến ngày 10-3, sóng to kết hợp với triều cường dâng cao đã làm đoạn đê dài khoảng 500m tại ấp Bào, xã Hiệp Thạnh, huyện Duyên Hải bị sạt lở nhiều đoạn, trong đó có đoạn dài 100m bị sạt lở hoàn toàn… nước biển lấn sâu vào đất canh tác của dân.
 
Toàn tuyến đê biển Hiệp Thạnh có chiều dài hơn 2km, nằm trong tuyến đê này hiện có trên 200 hộ dân đang sinh sống và hàng trăm héc ta đất trồng hoa màu, nuôi trồng thủy sản. Trong số này, hàng chục hộ dân sống gần chân đê buộc phải di dời khẩn cấp và hàng chục héc ta đất bị biến thành đất hoang…

Ông  Nguyễn Văn Rồi, ấp Bào, xã Hiệp Thạnh, huyện Duyên Hải bức xúc: “Trước tết, người dân xã ven biển Hiệp Thạnh mất ăn, mất ngủ vì sóng biển.  Cứ đà này, không bao lâu ấp Bào này sẽ bị xóa sổ, hàng trăm người dân sẽ đi đâu về đâu?”.
 
Trong những ngày đê biển Hiệp Thạnh bị biển “tấn công”, lực lượng của Đồn Biên phòng 622 (Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng Trà Vinh) cùng chính quyền địa phương và nhân dân dùng bao cát đắp đê ngăn nước biển. Thế nhưng, sức người có thấm vào đâu so với cơn thịnh nộ của thủy thần.

Anh Nguyễn Văn Nhớ, Chủ tịch UBND xã Hiệp Thạnh kêu cứu: “Năm nào, xã và huyện đều xuất ngân sách hàng chục triệu đồng và vận động nhân dân đóng góp hàng trăm ngày công để gia cố, chống sạt lở. Nhưng… tất cả sự nỗ lực đều vô vọng!”.

Rừng phá, dự án treo

Xã Hiệp Thạnh hiện có diện tích tự nhiên 2.176ha, trong đó có 1.704ha nuôi trồng thủy sản, hơn 94,5ha đất rừng, 195ha đất nông nghiệp, 179ha đất ở… Trước đây, trong chiến tranh rừng Hiệp Thạnh là căn cứ  cách mạng, sau giải phóng vì lợi ích kinh tế, con người quay trở lại đốn trụi rừng. Chính do phá rừng, mất đi lớp hành lang bảo vệ đất liền nên ngày nay người dân nơi đây lâm vào cảnh đất mất, nhà tan hoang… vì sóng biển.
 
Trước nguy cơ vỡ đê ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất của người dân, tỉnh Trà Vinh xuất ngân sách 1,5 tỷ đồng thi công, gia cố khẩn cấp 500m tuyến đê xung yếu (trong 1,2km tuyến đê biển có nguy cơ sạt lở) bằng hàng trăm tấn đá với rọ lưới bao bọc. Thế nhưng, chỉ mới 2 mùa gió chướng, triều cường sóng biển đã cuốn trôi tất cả.

Để tìm giải pháp căn cơ hơn, tỉnh Trà Vinh xây dựng khẩn cấp dự án xây dựng kiên cố tuyến đê biển phòng hộ với kinh  phí hàng chục tỷ đồng. Nhưng đến nay dự án vẫn chưa được thực hiện. “Nhà nước không vô cảm trước nỗi bức xúc của người dân nhưng do tỉnh nghèo, ngân sách mất cân đối, bằng nhiều nỗ lực tỉnh sẽ tranh thủ mọi nguồn vốn để sớm đầu tư  xây dựng tuyến đê biển phòng hộ xung yếu này để người dân an cư lạc nghiệp”, ông Nguyễn Văn Phong, Phó Chủ tịch UBND Trà Vinh chia sẻ và khẳng định như vậy.
 
Cách làng ven biển Hiệp Thạnh không đầy 1km là làng ven biển Mỹ Long (Cầu Ngang), nhờ bảo vệ và trồng rừng tốt nên hàng ngàn người dân nơi đây đang sống trong an bình, không chịu cảnh tàn phá dữ dội của triều cường, sóng biển. Bài học cho Hiệp Thạnh và chính quyền địa phương?!.

ĐÌNH CẢNH 

Tin cùng chuyên mục