Trách nhiệm của cử tri

Chỉ còn hơn một tuần nữa là đến ngày bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp, cử tri có trách nhiệm cũng đều nóng lòng, chờ đợi đến ngày mình cầm được lá phiếu trên tay để đi bầu cử. Đây là một quyền hiến định rất cơ bản của công dân đã được ghi rõ trong Hiến pháp 2012, để lựa chọn những người đại biểu có tâm, có tài, thật sự xứng đáng vào cơ quan dân cử, đại diện cho chính tiếng nói, nguyện vọng, tâm tư tình cảm của cử tri.

Qua các kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp trước đây, tính “chuyên nghiệp” cũng như trách nhiệm của cử tri trong từng lá phiếu bầu đã được nâng cao rất rõ rệt. Số lượng cử tri đi bầu ở nhiều địa phương trong cả nước, có nơi đạt cả về chất lượng cũng như số lượng 100% cử tri đi bầu (trong đó có rất nhiều cử tri trẻ). Nhiều cử tri thật sự quan tâm đến thời cuộc, tìm hiểu kỹ lưỡng, sát sao thông tin của những đại biểu mà mình đi bầu, về trình độ chuyên môn cũng như đạo đức nghề nghiệp; cân nhắc, lựa chọn để bỏ phiếu bầu những đại biểu thật sự có tâm, có tầm.

Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số cử tri thể hiện sự thiếu trách nhiệm khi đi bầu cử. Một số cử tri khi đi bầu cử, chỉ biết mỗi việc gạch xóa tên người đại biểu đã có sẵn trong lá phiếu bầu, mà không tìm hiểu kỹ thông tin về người đại biểu mà mình bầu chọn, không nắm rõ thông tin danh sách đại biểu Quốc hội, HĐND! Trong khi đó, việc tìm hiểu thông tin người đại biểu mà mình muốn bầu là rất quan trọng, để có thể chọn những người đại biểu thật sự xứng đáng. Do vậy, để tạo điều kiện nâng cao trách nhiệm công dân của cử tri, một trong những khâu không kém phần quan trọng là công tác chuẩn bị nhân sự cần phải được thực hiện một cách kỹ lưỡng, chu đáo và tuyên truyền sâu rộng để mỗi cử tri nắm chắc tiểu sử của từng đại biểu, từ đó sáng suốt lựa chọn người tiêu biểu tham gia vào cơ quan dân cử.

NGUYỄN ĐƯỚC

Tin cùng chuyên mục