Bình bát là một loại cây dân dã, mọc hoang. Ngoài trái chín dầm đường làm món ăn vặt cho bọn trẻ con ở nông thôn thì với vị ngọt thanh, loại trái cây này chứa vitamin C giúp chống gốc tự do gây lão hóa sớm; vitamin A giúp da và tóc khỏe, hỗ trợ thị lực; vitamin B6, magnésium, potassium, chất xơ tốt cho hệ tim mạch, hệ tiêu hóa, có tác dụng lợi tiểu và giảm trầm cảm; có tính giảm co thắt, giảm axít tại các khớp xương. Các thông tin này, tôi tra được trên mạng.
Cây bình bát hình như không có mùa ra bông, đậu trái cố định. Nếu bình bát mọc sát mép nước, nước đủ cho cây “uống” thì gần như cây có trái quanh năm. Cái hồi tôi còn nhỏ xíu, những trái bình bát chín ngoài bờ mương, hay cha đi ruộng về, thể nào cũng có quà cho con gái út.
Thế là một, hai ngày sau, tôi có món bình bát dầm đường ngon bá chấy vào thời điểm đó. Thỉnh thoảng có xuồng bán nước đá đi ngang, xin mẹ 500 đồng mua nước đá, đập nhuyễn cho vào hỗn hợp bình bát dầm đường, vậy cũng đã “hoành tráng” với ấu thơ tôi lắm rồi.
Trái bình bát có khi vừa hườm hườm, tôi đã hái đem vào khạp gạo của mẹ để dú cho mau chín rục. Còn không, trái chín vàng đậm một chút sẽ rụng xuống đất, trái nào nằm xa ngoài mép nước sẽ rụng xuống sông hoặc ao hồ. Lúc đó, tôi chỉ còn biết tiếc hùi hụi.
Trái bình bát nào rụng trên mép đất thì cũng cần chút lưu ý nhỏ như sau: Trái nào rụng còn nguyên cùi, hoặc cùi đã rơi ra mà thật ráo (dấu hiệu trái vừa rụng chưa lâu) thì ăn được; còn trái nào phía trong cùi có nước rỉ ra, đừng tiếc, cứ thảy xuống hồ cho cá tra ăn, nếu không ăn vào sẽ đau bụng.
Nói thêm, cá tra rất ưa bình bát chín. Hồi đó, mỗi khi muốn bắt cá tra, ba hoặc anh trai tôi thường móc lưỡi câu to và sâu vào trái bình bát làm mồi câu. Chỉ tầm mươi mười lăm phút sau, cá tra đã mắc câu. Cách đây vài năm, khi nhóc nhà tôi còn nhỏ, muốn con quay về miền ấu thơ của mẹ, tôi mua mấy trái bình bát, dầm đường, đập nhuyễn nước đá cho con nếm thử.
Vậy mà, chỉ nếm vài ba muỗng, thằng nhóc ngây thơ nói: Mẹ ơi, con không thích món này! Cầm cái ly thật to từ tay con đưa lại, tôi chỉ muốn nói với con rằng: Từ những trái bình bát dầm đường này mà mẹ đã lớn lên… Nhưng mỗi thời điểm có tính lịch sử của nó. Bây giờ, hơn 30 năm đi qua, làm sao tôi có thể buộc con mình quay lại đời sống cũ, thuở còn nghèo khó?
Mới đây thôi, khi có việc về lại quê, ngay mép nước, chỗ giao lộ để bước xuống xuồng, có mấy cây bình bát đang xòe tán, xum xuê trái. Tôi lấy điện thoại chụp hình cây, chụp như thể nếu không nhanh cây sẽ biến mất. Cảm ơn buổi chiều đã cho tôi trở về với miền thơ ấu của mình!