Trạm y tế nỗ lực điều trị F0

Gần đây, số F0 được phát hiện trong cộng đồng, nơi làm việc hoặc tự xét nghiệm nhanh tại nhà tăng mạnh tại TPHCM. Các trạm y tế (TYT), nhất là TYT lưu động trên địa bàn thành phố đang chật vật trong nỗ lực thăm khám và cấp phát túi thuốc cho F0.

Vượt khó

Quận 12 có thời điểm F0 lên tới trên 12.000 ca, hiện còn khoảng 6.000 F0 đủ điều kiện đang điều trị tại nhà. Đội ngũ nhân viên y tế với 99 người của 11 TYT trên địa bàn quận phải căng mình thăm khám, cấp phát túi thuốc. Quận 12 cũng kích hoạt 45 TYT lưu động, 22 TYT lưu động trong số này do đội ngũ y bác sĩ từ 5 bệnh viện (BV) tuyến trên đảm trách. 

Phường Hiệp Thành là điểm nóng nhất của quận 12 khi có 16 điểm nóng về dịch, rải đều ở các khu phố với 4.163 ca (tính hết ngày 1-12). BSCKI Trần Thị Phụng, Trưởng TYT phường Hiệp Thành chia sẻ, để ứng phó, ngoài 8 nhân viên y tế và 6 tình nguyện viên, phường còn được hỗ trợ 5 TYT lưu động. Nòng cốt là đội ngũ y bác sĩ đến từ BV Mắt, BV Bình Dân, BV Y học cổ truyền để đảm bảo tốt các hoạt động như lấy mẫu xét nghiệm, chăm sóc F0 tại nhà, cấp cứu, vận chuyển các trường hợp nặng, tiêm vaccine... cho trên 110.000 nhân khẩu. “Từ ngày 13-11, các F0 cách ly tại nhà đã được TYT phường bàn giao cho TYT lưu động quản lý, theo dõi, điều trị… Chúng tôi được đỡ đần rất nhiều, nhất là người dân không cần đến trực tiếp TYT để xét nghiệm như trước đây. Mỗi nhân viên TYT lưu động được phân công phụ trách theo khu phố hoặc số lượng bệnh nhân phù hợp”, BS Trần Thị Phụng cho hay.

Y bác sĩ trạm y tế lưu động phường 5 (Gò Vấp) đến từ BV Quân y 175 chuẩn bị thuốc mang đến cho F0 điều trị tại nhà. Ảnh: TÂM HIỀN

Phường Bình Hưng Hòa (quận Bình Tân) cũng là địa phương có số ca mắc tăng cao (hết ngày 1-11 ghi nhận 5.522 ca) được bổ sung 1 TYT. Đại diện phường này cho biết, dân số toàn phường trên 101.000 người, số F0 phát hiện trong cộng đồng dao động 20-30 ca/ngày, số lượng ca mắc cao, việc xét nghiệm và cấp phát túi thuốc cho F0 có đôi lúc bị chậm trễ. 

Cũng nỗ lực vượt khó và ngóng đợi lực lượng y tế về hỗ trợ, phường 5 (quận Gò Vấp) đang có 299 F0 điều trị tại nhà. Nhiều tuần qua, phường gặp khó do số ca mắc mỗi ngày tăng 40-50 ca. Theo bà Trần Ngọc Phượng, Bí thư Đảng ủy phường 5, phường hiện có 1 TYT lưu động, nhân sự chỉ có 1 BS, 2 điều dưỡng và 2 tình nguyện viên. Khi F0 gọi đến, nếu chưa test PCR, phường sẽ yêu cầu người dân tự test khẳng định rồi cấp phát thuốc, tư vấn điều trị tại chỗ; nếu F0 đã test PCR, tình nguyện viên sẽ đến phát thuốc tận nhà. Riêng với F0 không đủ điều kiện cách ly tại nhà, TYT lưu động nhận nhiệm vụ test nhanh rồi đưa đi cách ly tập trung. Ngoài tiếp nhận điện thoại F0, 2 BS ở TYT lưu động hàng ngày chủ động gọi điện hỏi thăm sức khỏe, theo dõi triệu chứng của F0, vì vậy, đường dây nóng thường rơi vào tình trạng nghẽn mạch. 

Hỗ trợ y tế cơ sở điều trị F0

Lũy tính hết ngày 1-12, TPHCM có 45.588 F0 điều trị tại nhà, tập trung ở quận 12 (6.327 người), huyện Hóc Môn (8.147 người), TP Thủ Đức (20.522 người), huyện Bình Chánh (7.166 người), quận Gò Vấp (3.973 người), quận Bình Tân (4.210 người), quận Tân Phú (4.829 người) và huyện Nhà Bè (1.181 người). Do vậy, thành phố nỗ lực giúp người bệnh tiếp cận TYT địa phương, trong đó, tăng cường nhân lực các TYT lưu động và TYT phường xã, thị trấn; có cơ chế, chính sách hỗ trợ lực lượng này. Thành phố có kế hoạch chỉ đạo Bộ Tư lệnh TPHCM phối hợp Sở Y tế cử lực lượng quân y, dân quân cùng TYT lưu động hướng dẫn quy trình tiếp nhận F0.

Theo Chánh Văn phòng Sở Y tế Nguyễn Thị Huỳnh Mai, ngoài nỗ lực giảm số ca mắc mới, thành phố xác định 2 mục tiêu quan trọng là giảm tỷ lệ nhập viện và tỷ lệ tử vong. Chiến lược đánh chặn từ xa được ngành đưa ra các giải pháp nhằm quản lý chặt chẽ F0 mới phát hiện. Mục tiêu là y tế địa phương, chính quyền địa phương phải quản lý tất cả F0 trên địa bàn, tiếp cận F0 trong vòng 24 giờ để đánh giá tình hình kịp thời cũng như cấp túi thuốc hỗ trợ. Sở cũng phối hợp với các sở ngành, giám sát hoạt động các TYT lưu động. Sở thành lập 8 nhóm liên lạc quản lý theo từng quận, huyện, có thành phần là thành viên Ban giám đốc Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM, trung tâm y tế… Các nhóm này thường xuyên trao đổi hoạt động chuyên môn để đưa ra giải pháp chăm sóc tốt nhất cho người dân. Thành lập 10 tổ để kiểm tra, nắm bắt sớm tình hình và xử lý kịp thời nhu cầu người dân đồng thời củng cố đường dây nóng 1022; tái lập hệ thống mạng lưới Thầy thuốc đồng hành, từ đó có thể hỗ trợ tốt nhất cho F0 tại nhà cũng như F0 đang điều trị tại các BV. Sở cũng điều động, tăng cường nhân viên y tế đến các BV dã chiến và TYT lưu động ở địa bàn có dấu hiệu gia tăng ca mắc Covid-19.

Tin cùng chuyên mục