Trăng nơi đáy giếng (*) - Lung linh màu sắc Huế

Trăng nơi đáy giếng (*) - Lung linh màu sắc Huế

Trăng nơi đáy giếng là đại diện duy nhất của khu vực phim nhà nước, cùng với 5 phim tư nhân khác, tranh giải “Phim được khán giả yêu thích nhất” của thể loại phim truyện nhựa tại giải Cánh diều vàng 2008. Bộ phim như một bài thơ nhẹ nhàng, sâu lắng, nhưng không kém phần kịch tính, xoay quanh cuộc sống gia đình của Hạnh - người đàn bà Huế lãng mạn, yêu chồng đến mức tôn thờ và hy sinh tất cả cho chồng...

Bi kịch gia đình

Trăng nơi đáy giếng (*) - Lung linh màu sắc Huế ảnh 1
Cảnh trong phim Trăng nơi đáy giếng.

Hạnh chăm lo cho chồng từ cái ăn, cái mặc đến những thói quen sinh hoạt hàng ngày. Nhưng bi kịch của cô là không thể sinh cho chồng một mụn con. Vì muốn chồng có con nối dõi mà cô làm thủ tục ly dị để cưới vợ cho chồng. Cô xốc vác và tất tả chăm lo nhà cửa, con cái của chồng như của mình.

Thế rồi hình ảnh người chồng bỗng sụp đổ kể từ khi cô chứng kiến chồng giặt quần áo cho người vợ bé. Khi sống cùng cô, người đàn ông ấy chỉ đưa áo của vợ vào nhà khi trời mưa, còn quần của vợ để lại...

“Giả hóa thực, thực hóa giả, giả thực thực giả khó lường”, bà đồng Thơ gieo quẻ bói cho Hạnh cũng là lúc Hạnh đau đớn nhận ra mình đã mất chồng. Cô được bà đồng Thơ mai mối lấy người chồng ở cõi âm, và cô đặt tượng thờ ông tướng giữa nhà, yêu thương và chăm sóc giống như cách mà cô vẫn dành cho người chồng cũ.

Đắm đuối, mê muội với những pho tượng, cô bước qua ranh giới giữa thật và ảo, âm và dương. Để rồi người đàn bà yêu chồng đến mức quên mình và nhịn nhục trước dư luận đã ném cả ấm trà vào mặt chồng, thẳng tay xua đuổi anh ta ra khỏi nhà khi anh lớn tiếng đòi cô dẹp bàn thờ tượng Phật và cho đó là chuyện mê tín dị đoan không hay ho gì...

Không một chi tiết nào trong phim đề cập đến việc người chồng và cô vợ bé đã có tình ý từ trước khi Hạnh cưới vợ cho chồng, và hai người giả đóng kịch để lừa dối Hạnh như trong truyện ngắn của nhà văn Trần Thùy Mai. Nhưng không vì thế mà nỗi đau của Hạnh vơi đi...  

Nghệ sĩ Hồng Ánh đã hóa thân một cách tinh tế và đầy biểu cảm những thay đổi tâm lý khá phức tạp của Hạnh. Tất cả vẻ chỉn chu, khéo léo của người đàn bà Huế trong nết ăn, nết ở đều hiện lên rõ nét qua diễn xuất của Hồng Ánh, khác với vẻ xốc vác và mạnh mẽ ngoài đời của cô.

Đậm đà chất Huế

Những con sóng trong tâm hồn người đàn bà Huế hiện lên trong phim lúc lặng lẽ, thiết tha, khi dâng trào mãnh liệt... Cứ mỗi lần Hạnh đóng loạt cánh cửa của ngôi nhà rường là bắt đầu một tâm trạng mới: Để vo tròn hạnh phúc với chồng, để che chắn cái nhìn thóc mách từ bên ngoài, để cách biệt với thế giới thực và cô lập mình với cõi tâm linh...

Đạo diễn Vinh Sơn sinh ra ở Quảng Trị - “láng giềng” của Thừa Thiên-Huế, nhưng có vẻ như anh đã sống ở Huế khá nhiều, đã ngấm sâu văn hóa của xứ Huế. Không chỉ dành khá nhiều khuôn hình cho những cảnh đẹp của xứ Huế mộng mơ vào những thời khắc khác nhau trong ngày hay những mùa trong năm, anh chú ý đến những chi tiết nhỏ trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng, rồi nếp ăn, ở, thờ cúng... của người Huế. Tình làng nghĩa xóm, sự quan tâm và sẻ chia lẫn nhau và cả những sự sốt sắng, nhiệt tình của người miền Trung... hiện lên quá đỗi thân thương. 

Những cú máy dài từ nhà vào bếp rồi ra sân. Những khuôn hình đẹp và trau chuốt càng tôn thêm nét lặng lẽ, yêu kiều của xứ Huế... Góc máy có lúc dẫn dụ khán giả bước vào nỗi lo sợ và sự ám ảnh của Hạnh trong căn nhà vắng vẻ, lạnh lẽo ấy. Câu chuyện phim dung dị, hồn hậu nhưng không kém phần tinh tế và thấm đượm cảm xúc. Kịch tính nằm sâu ở bên trong từng chi tiết, từng khuôn hình chứ không “bong” ra ngoài, đòi hỏi người xem phải khám phá và cảm nhận...

Các nhà làm phim khá dụng công trong việc tái hiện thế giới tâm linh của người Việt trong màn cắt tiền duyên, màn múa hầu đồng hay cảnh cúng thổ thần vào đêm 30 Tết… Tuy nhiên, có cảm giác thời lượng các cảnh này hơi dài, dẫu chúng trở thành những điểm nhấn diễn tả thay đổi tâm lý trong Hạnh, hay đem đến cho khán giả những hiểu biết về phong tục, tập quán...

* Kịch bản: Trần Thùy Mai; đạo diễn: Vinh Sơn; Hãng phim Giải phóng và Hãng Alliance - Pháp hợp tác sản xuất, Quỹ Fonds Sud và Quỹ Fonds Francophonie tài trợ; giải Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất LHP quốc tế Dubai trao cho Hồng Ánh.

VÕ THÂM

Tin cùng chuyên mục