Trẻ em Việt Nam có tỷ lệ hen phế quản cao nhất châu Á

Ngày 11-5, Hội Hen - dị ứng - miễn dịch lâm sàng TPHCM phối họp cùng Văn phòng đại diện Tập đoàn GlaxoSmithKline tại TPHCM phát động chương trình hành động hưởng ứng “Ngày hen toàn cầu” với cam kết đồng hành cùng cộng đồng trong cuộc chiến đẩy lùi căn bệnh hen phế quản - căn bệnh đến nay chưa có thuốc chữa khỏi hẳn.
Trẻ em Việt Nam có tỷ lệ hen phế quản cao nhất châu Á

 (SGGPO).- Ngày 11-5, Hội Hen - dị ứng - miễn dịch lâm sàng TPHCM phối họp cùng Văn phòng đại diện Tập đoàn GlaxoSmithKline tại TPHCM phát động chương trình hành động hưởng ứng “Ngày hen toàn cầu” với cam kết đồng hành cùng cộng đồng trong cuộc chiến đẩy lùi căn bệnh hen phế quản - căn bệnh đến nay chưa có thuốc chữa khỏi hẳn.

 Theo Tổ chức Y tế thế giới, số bệnh nhân mắc bệnh hen phế quản có xu hướng ngày càng gia tăng, ước tính khoảng 334 triệu người. Thế nhưng, trong số này chỉ có khoảng 5% bệnh nhân được chẩn đoán và điều trị đúng cách. Mỗi năm trên thế giới có khoảng 200.000 người chết vì bệnh hen phế quản, trong đó tại Việt Nam khoảng 3.000 ca. Chi phí điều trị cho bệnh hen ngày càng trở thành gánh nặng xã hội, từ chi phí trực tiếp (tiền thuốc, xét nghiệm) đến ảnh hưởng gián tiếp (phải nghỉ việc do giảm năng suất lao động, bỏ học-bỏ việc giữa chừng để dành thời gian điều trị).

 Theo các chuyên gia, tại Việt Nam, tỷ lệ trẻ em Việt Nam ở độ tuổi 12-13 có tỷ lệ bệnh hen phế quản cao nhất châu Á với gần 30% và đang có chiều hướng gia tăng. Việc định bệnh hen phế quản ở trẻ em thường rất khó khăn vì triệu chứng đôi khi không rõ ràng, dẫn đến việc phát hiện và điều trị chậm trễ.

Trẻ nhỏ cần được khám tổng quát định kỳ để phát hiện sớm bệnh hen, điều trị đúng cách


 PGS-TS-BS Lê Thị Tuyết Lan, Chủ tịch Hội Hen - dị ứng - miễn dịch lâm sàng TPHCM cho biết, nguyên nhân gây bệnh hen do yếu tố di truyền, ảnh hưởng từ môi trường sống và một phần không rõ nguyên nhân hay phụ thuộc vào cơ địa. Người mắc bệnh hen chú ý với dị ứng thức ăn, dị ứng thuốc và tiếp xúc với lạnh (thức ăn uống lạnh, nhiệt độ lạnh). BS Tuyết Lan khuyến cáo, người bị hen không bao giờ tự uống thuốc khi không có toa bác sĩ. Do đó, khi bị cảm sốt, đau dạ dày hay mắc một bệnh lý gì, bệnh nhân tự ý ra hiệu thuốc mua về điều trị, cũng dễ dẫn đến dị ứng thuốc. Về vấn đề dị ứng thức ăn, BS Tuyết Lan dẫn chứng một ca hy hữu, một bệnh nhân nữ dị ứng với chocolate, sau khi hôn anh người yêu, cô bệnh nhân này lên cơn hen và nguy kịch, bởi trước đó anh người yêu của cô vừa ăn chocolate xong!

HẢI THỤY

Tin cùng chuyên mục