(SGGPO). - Sáng 3-12, tại Hà Nội, Bộ Nội vụ và Chương trình phát triển liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam tổ chức hội thảo “ Đánh giá kết quả làm việc của công chức trong các cơ quan hành chính nhà nước: kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn của Việt Nam”.
Báo cáo đề dẫn về đánh giá công chức ở Việt Nam của Vụ công chức –viên chức (CCVC), Bộ Nội vụ cho thấy, việc đánh giá đối với cán bộ được thực hiện theo quy định của luật cán bộ, công chức năm 2008 và các văn bản của Đảng; việc đánh giá viên chức thực hiện theo quy định của Luật viên chức và các văn bản hướng dẫn thi hành. Kết quả đánh giá, phân loại công chức năm 2013 (theo báo cáo của các bộ ngành, địa phương) cho thấy, trong tổng số công chức được đánh giá, phân loại là 536.550 người, thì mức độ hoàn thành chức trách nhiệm vụ rất cao. Cụ thể, 92,58% công chức có mức độ hoàn thành xuất sắc và tốt nhiệm vụ. Chỉ có khoảng 5,66% công chức hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực và không hoàn thành nhiệm vụ.
Báo cáo này nhận định, trước đây thực hiện quy định từ năm 1998, việc phân loại đánh giá công chức hàng năm được chia thành 4 loại: xuất sắc, tốt, trung bình, kém. Kết quả đánh giá hàng năm đa phần là xuất sắc, số lượng công chức được xếp loại kém là rất ít, thường là do vi phạm kỷ luật. Nay theo quy định của Luật cán bộ công chức thì việc đánh giá đã được thực hiện nghiêm túc hơn, phù hợp hơn so với thực tế chất lượng, hiệu quả công việc của công chức. Tuy nhiên, con số 92,58% công chức có mức độ hoàn thành xuất sắc và tốt nhiệm vụ; chỉ có khoảng 5,66% công chức hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực và không hoàn thành nhiệm vụ cũng cho thấy việc đánh giá này còn nhiều hạn chế. Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn thừa nhận, kết quả phân loại như vậy là thiếu thuyết phục, vì “nếu tốt cả thì đã không cần cải cách”.
Nêu nguyên nhân dẫn đến con số phân loại công chức gần 100% là xuất sắc và tốt, Bộ Nội vụ cho rằng, tiêu chí đánh giá còn chung chung, chưa gắn với từng vị trí việc làm và từng công chức; chưa chú trọng đến kết quả, trách nhiệm thực hiện công vụ, nhiệm vụ của công chức. Phương pháp đánh giá thông qua lấy ý kiến của công chức trong cùng cơ quan, đơn vị qua bình bầu luôn bị ảnh hưởng bởi ý kiến chủ quan và tình trạng các mối quan hệ cá nhân, do đó chưa thể hiện được chính xác và khách quan đối với việc thực hiện nhiệm vụ của từng công chức. Người đứng đầu nắm rõ nhất mức độ hoàn thành nhiệm vụ của từng công chức nhưng thực tế thì không phải là người toàn quyền quyết định kết quả đánh giá. Trong khi đó việc xử lý kết quả đánh giá công chức hàng năm lại chưa được đề cao, chủ yếu chỉ là để phục vụ công tác bình xét thi đua cuối năm, chưa có chế tài xử lý đối với những trường hợp không hoàn thành nhiệm vụ.
Vì vậy, Bộ Nội vụ cho rằng, thời gian tới phải hoàn thiện công tác đánh giá công chức theo hướng các cấp lãnh đạo phải thực sự coi đó là căn cứ quyết định trong việc khen thưởng, kỷ luật, bổ nhiệm, bố trí sử dụng đối với công chức. Bộ này cho rằng, về tiêu chí đánh giá, các bộ ngành, địa phương cần xây dựng tiêu chí và nội dung đánh giá cụ thể dựa trên các tiêu chuẩn chung của Đảng, Nhà nước và trên cơ sở bản mô tả của từng vị trí việc làm trong cơ quan, tổ chức, đơn vị. Việc đánh giá phải căn cứ chính vào kết quả hoàn thành chức trách, nhiệm vụ của công chức hàng năm.
Về phương pháp đánh giá, cần đề cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan. Không quy định việc lấy phiếu tập thể công chức trong đơn vị khi đánh giá hàng năm. Về xử lý kết quả đánh giá, Bộ Nội vụ đề nghị nghiên cứu quy định việc xử lý đối với những người có chất lượng thực thi công việc kém như bố trí công tác khác, xử lý kỷ luật hoặc thậm chí buộc thôi việc mà không nhất thiết phải sau 2 năm liên tiếp không hoàn thành nhiệm vụ như quy định hiện hành. Còn đối với những người có thành tích đặc biệt xuất sắc trong thực thi công vụ thì có thể được đặc cách bổ nhiệm vào các vị trí cao hơn, được nâng bậc lương thời hạn.
Bộ Nội vụ cũng cho biết, hiện vẫn đang tranh luận về dựa vào cơ sở nào để đánh giá, phân loại công chức, dùng tiêu chí đánh giá hay thang điểm cho từng tiêu chí, hay đơn thuần là chỉ dựa vào quan niệm; dựa vào cơ sở nào để sa thải công chức; thẩm quyền đánh giá công chức (cấp nào đánh giá cấp nào, có lấy phiếu góp ý cho từng thành viên trong đơn vị để góp ý đối với người đứng đầu cơ quan hay không..).
|
|
Phan Thảo