
Công trình Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma đang từng bước hoàn thành để kịp tiến độ khánh thành vào dịp lễ Quốc khánh 2-9. Những ngày này, đôi tay những người thợ thi công công trình càng thoăn thoắt, hối hả hơn để chạy đua với thời gian.
Một ngày cuối tháng 7, giữa cái nắng đổ lửa, chúng tôi tìm về vùng biển Bãi Dài - nơi có công trình Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma đang được xây dựng, thuộc xã Cam Hải Đông (huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa). Công trình nằm trên một đồi cát cao nhất nhì ở vùng biển Bãi Dài. Một mặt khu tưởng niệm hướng về đất liền, mặt kia hướng thẳng ra vùng biển Trường Sa, nơi hàng chục chiến sĩ Gạc Ma đang yên nghỉ. Những nhà điêu khắc, kỹ sư và công nhân đang phơi mình trong nắng gắt và hơi mặn của nước biển để hoàn thành công trình ý nghĩa này. Phần việc quan trọng nhất của khu tưởng niệm là hoàn thành bức tượng đài của công trình thể hiện dáng hình, khí chất bất diệt của 64 chiến sĩ đã ngã xuống vì biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc ở vùng biển Gạc Ma. Không khí làm việc ở đây đang rất khẩn trương. Những người thợ đu mình trên cao, tay búa, tay đục cần mẫn đẽo, gọt những thớ đá lại cho vuông vức, cân đong từng chi tiết sao cho thể hiện được thần thái của người chiến sĩ Hải quân Việt Nam.

Nhà điêu khắc Lâm Quang Nới kiểm tra chất lượng công trình tượng đài
Công trình tượng đài “Những người nằm lại phía chân trời” - hạng mục quan trọng nhất của Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma được những nghệ nhân làng đá Ninh Vân, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình thực hiện. Anh Trần Công Kiên, 45 tuổi, nghệ nhân làng đá Ninh Vân cho biết, công trình bắt đầu khởi công từ ngày 13-3-2015, đến trung tuần tháng 12, khi phần móng của tượng đài hoàn thành thì 20 nghệ nhân ưu tú, lành nghề nhất của làng đá Ninh Vân được điều động vào phụ trách tạc tượng các chiến sĩ Hải quân. Ban đầu, chủ đầu tư định vận chuyển đá xanh từ ngoài Bắc vào để xây dựng tượng đài. Nhưng sau khi cân nhắc, tất cả thống nhất chọn đá Granite ở huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa để tạc tượng. Đá Granite ở Khánh Hòa là những khối đá lớn, đẹp bắt mắt, tuy nhiên lại rất cứng và khó thi công. Đá sau khi được cắt, xẻ theo từng khối sẽ được các nghệ nhân tạo hình, tạo dáng trước sau đó mới ghép nối thành tượng đài hoàn chỉnh. Theo thiết kế, tượng đài sẽ khắc họa hình tượng 9 chiến sĩ Hải quân dựa sát vào nhau, giương cao lá cờ Tổ quốc tạo nên một vòng tròn bất tử hướng thẳng ra vùng biển Trường Sa. “Dù mất rất nhiều công sức trong quá trình tạo hình nhưng mỗi nghệ nhân làng đá Ninh Vân cũng như những người thợ điêu khắc khác đều cần mẫn thì công. Mọi người chỉ mong sao công trình hoàn thành đúng thời gian, khắc họa đầy đủ khí phách của các chiến sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc là chúng tôi vui lắm rồi”, anh Kiên tự hào.
Công trình xây dựng tượng đài chiến sĩ Gạc Ma khó nhất là thể hiện được phần hồn của tượng đài, nhưng còn một công việc khác cũng không kém phần gian nan, đó là việc thi công vòng tròn bao quanh tượng đài. Nhẩm tính sơ phần vòng tròn này đã tiêu tốn đến 13 tấn thép, loại thép không rỉ dài đến 20m để uốn. Chia sẻ với phóng viên, nhà điêu khắc Lâm Quang Nới, một trong hai tác giả chính làm nên công trình này cho biết, phần thi công vòng tròn bao quanh tượng đài khó vì đây là lần đầu tiên thi công tại Việt Nam. Nhưng cái khó chính là vòng tròn này sẽ hòa nhịp, bao quanh tượng đài và phải thể hiện thần sắc của 9 bức tượng. Mỗi bức thể hiện một dáng điệu khác nhau, người đứng, người ngồi, có người đã ngã xuống… nhưng lại gắn bó bền chặt thành một khối, tạo thành một “Vòng tròn bất tử”, giương cao lá cờ Tổ quốc.
“Chúng tôi đã mất hàng chục đêm không ngủ để tìm cách làm sao dựng được “Vòng tròn bất tử” ấy lên mà không mắc sai sót. Nay thì tôi và những nhà điêu khắc đã yên tâm vì vòng tròn bất tử quanh tượng đài chiến sĩ Gạc Ma đã được dựng lên, đúng như ý niệm”, ông Lâm Quang Nới nói.
| |
VĂN NGỌC