Triển khai chợ thí điểm bảo đảm an toàn thực phẩm

UBND TPHCM vừa ban hành quyết định phê duyệt dự án Mô hình chợ thí điểm bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố.
Đảm bảo an toàn thực phẩm tại kênh bán lẻ truyền thống
Đảm bảo an toàn thực phẩm tại kênh bán lẻ truyền thống

Dự án hướng đến mục tiêu xây dựng và phát triển mạng lưới chợ truyền thống đáp ứng các tiêu chí cũng như yêu cầu về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm. Đặc biệt, thỏa mãn các nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao của mọi tầng lớp nhân dân và phục vụ tốt vấn đề an toàn sức khỏe, quyền lợi người tiêu dùng.

Để đáp ứng những mục tiêu trên, dự án lựa chọn và tổ chức thí điểm tại chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn và chợ Bến Thành. Sau đó, TPHCM sẽ tổ chức sơ kết đánh giá và triển khai nhân rộng ra mạng lưới chợ truyền thống trên địa bàn. Bên cạnh đó, dự án cũng tập trung triển khai các nội dung như nâng cao chất lượng phục vụ, cải tạo hoạt động văn minh thương mại phù hợp xu hướng hội nhập và phát triển của thành phố. Đồng thời, tăng cường công tác đào tạo quản lý chợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các sở ngành, ban quản lý, thương nhân, tiểu thương… thực hiện kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm.

So với thời điểm cuối năm 2016, TPHCM hiện có 239 chợ, giảm 1 chợ; 207 siêu thị, tăng 18 siêu thị; 43 trung tâm thương mại, tăng 3 trung tâm thương mại. Đặc biệt, trong năm 2017, hệ thống cửa hàng tiện lợi như cửa hàng Co.opFood (không gồm cửa hàng Co.op), SatraFoods, Vissan, Family Mart, Cocomart tăng mạnh đã góp phần gia tăng sức mua trên thị trường. Hiện toàn thành phố có 1.100 cửa hàng tiện lợi, tăng 218 cửa hàng (trong khi cả năm 2016 chỉ tăng thêm 46 cửa hàng), cộng với hơn 10.600 điểm bán của 4 chương trình bình ổn thị trường.

Tin cùng chuyên mục