(SGGPO). – Sáng 23-10, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trình bày trước Quốc hội tờ trình về việc phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về quyền của người khuyết tật và Công ước của Liên hợp quốc về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người.
Công ước của Liên hợp quốc về quyền của người khuyết tật được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua ngày 13-12-2006 là công ước quốc tế toàn diện nhất về bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khuyết tật. Tính đến tháng 3-2014, trên thế giới đã có 158 quốc gia ký công ước và 141 quốc gia đã phê chuẩn. Trong khối ASEAN, đã có 8 nước phê chuẩn công ước, 2 nước đã ký công ước nhưng chưa phê chuẩn là Việt Nam và Brunei. Việt Nam đã ký Công ước Quyền của người khuyết tật vào ngày 22-10-2007. Việc phê chuẩn Công ước này là bước hoàn thành thủ tục để Việt Nam trở thành thành viên công ước.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trình bày Tờ trình về việc phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về quyền của người khuyết tật. Ảnh: Lã Anh
Chủ tịch nước nhấn mạnh: “Công ước quyền của người khuyết tật là một điều ước quốc tế về nhân quyền. Công ước xác định các quyền của người khuyết tật và nghĩa vụ của các quốc gia tham gia công ước nhằm bảo vệ và đẩy mạnh các quyền này. Việc phê chuẩn công ước vào thời điểm hiện nay của Nhà nước ta là rất quan trọng, nhằm thực hiện đúng cam kết của quốc gia, tạo cơ sở cho việc tăng cường đối thoại về nhân quyền và trao đổi với các nước, các tổ chức quốc tế về nhân quyền. Việc phê chuẩn công ước quyền của người khuyết tật sẽ là một cam kết chính trị mạnh mẽ của Việt Nam trong bảo vệ và thúc đẩy sự phát triển vì lợi ích dành cho người khuyết tật. Đây cũng là một trong những căn cứ pháp lý để Việt Nam khẳng định quan điểm của mình đối với thế giới trong lĩnh vực người khuyết tật nói riêng và nhân quyền nói chung, có ý nghĩa quan trọng khi Việt Nam đã trở thành thành viên Hội đồng nhân quyền của Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2014-2016”.
Báo cáo thêm với Quốc hội, Bộ trưởng Bộ LĐ-TBXH Phạm Thị Hải Chuyền cho biết, việc phê chuẩn Công ước quyền của người khuyết tật không chỉ phù hợp với xu thế chung của thế giới mà còn thể hiện những cam kết quốc tế của Việt Nam với tư cách là nước thành viên của Liên hợp quốc trong việc nỗ lực và hợp tác với các nước thành viên cũng như các tổ chức khác nhằm giải quyết những vấn đề liên quan đến người khuyết tật của Việt Nam và thế giới. Việc phê chuẩn Công ước Quyền của người khuyết tật sẽ góp phần hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về người khuyết tật, tạo cơ sở pháp lý đảm bảo việc thực hiện chính sách đối với người khuyết tật, đời sống của người khuyết tật vì thế cũng ngày càng cải thiện và nâng cao, cả về y tế, giáo dục, việc làm, giao thông vận tải, công nghệ thông tin…Điều này sẽ thúc đẩy khả năng và cơ hội cho người khuyết tật trong việc tìm kiếm việc làm tốt hơn trong tương lai của họ, đảm bảo cuộc sống cho người khuyết tật.
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và xã hội Phạm Thị Hải Chuyền trình bày Báo cáo một số vấn đề về việc phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về quyền của người khuyết tật. Ảnh: Lã Anh
Trình bày báo cáo thẩm tra về việc phê chuẩn công ước này, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Trần Văn Hằng cho biết các quy định của Công ước Quyền của người khuyết tật về cơ bản phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam. Tuy nhiên, qua thảo luận còn có một số nội dung của Công ước chưa được quy định chi tiết trong hệ thống pháp luật Việt Nam và một số nội dung có quy định của Công ước không trái nhưng khác với quy định của pháp luật trong nước do hướng tiếp cận khác nhau. Chẳng hạn, Điều 27 Công ước của Liên hợp quốc có khuyến nghị về việc thúc đẩy cơ hội được nhận vào làm việc cũng như tự tạo việc làm. Nội dung này của Công ước đã phần nào được thể hiện trong nội dung các quy định tại Luật người khuyết tật. Tuy nhiên, những quy định hiện hành Luật người khuyết tật vẫn chưa thật sự có hiệu lực trong thực tiễn đối với việc mở rộng cơ hội có việc làm cho người khuyết tật do những quy định hiện hành chỉ mang tính chất khuyến khích đối với các cơ sở sản xuất, các doanh nghiệp, các cơ quan, tổ chức mà chưa coi việc nhận người khuyết tật làm việc là trách nhiệm của các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức.
Về vấn đề này, Ủy ban Đối ngoại cho rằng, để đảm bảo cơ hội việc làm cho người khuyết tật theo khuyến nghị của Công ước, pháp luật về người khuyết tật cần khôi phục lại quy định về trách nhiệm của doanh nghiệp phải đảm bảo việc làm cho lao động là người khuyết tật với hình thức nhận một tỷ lệ lao động là người khuyết tật hoặc là đóng góp vào Quỹ tạo việc làm cho người khuyết tật. Đồng thời, pháp luật về cán bộ, công chức cần bổ sung nội dung ưu tiên tuyển dụng người khuyết tật trong quy định về nguyên tắc tuyển dụng công chức.
Theo ông Trần Văn Hằng, việc chậm phê chuẩn Công ước đã ảnh hưởng trực tiếp đến việc thực thi đầy đủ quyền của người khuyết tật khi mà nước ta hiện có 6,7 triệu người khuyết tật, chiếm 7,8% dân số và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. “Vì vậy, Ủy ban Đối ngoại cho rằng việc Quốc hội phê chuẩn Công ước này tại kỳ họp thứ 8 là hết sức cần thiết và nhất trí với Tờ trình của Chủ tịch nước và báo cáo của Chính phủ không bảo lưu điều khoản nào của Công ước” – ông Trần Văn Hằng nói.
Cũng trong sáng nay, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trình bày trước Quốc hội tờ trình về việc phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người.
Bộ trưởng Bộ công an Trần Đại Quang, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Báo cáo một số vấn đề về việc phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người.
Chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại của Quốc hội Trần Văn Hằng trình bày Báo cáo thẩm tra về việc phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người.
Cuối giờ sáng, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật bảo hiểm xã hội (sửa đổi).
HÀM YÊN