Trong 2 tháng, Đắk Lắk đã xử phạt 2,1 tỷ đồng 7 cơ sở kinh doanh sản phẩm từ động vật hoang dã

Trong tháng 3 và tháng 4-2022, Phòng Cảnh sát môi trường, Công an tỉnh Đắk Lắk đã phát hiện 7 cơ sở kinh doanh sản phẩm từ động vật hoang dã, qua đó thu giữ hơn 2.000 sản phẩm, xử phạt 2,1 tỷ đồng.

Ngày 11-7, Sở Thông tin-Truyền thông tỉnh Đắk Lắk phối hợp Trung tâm Giáo dục thiên nhiên (Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật xã hội Việt Nam) tổ chức buổi tọa đàm truyền thông về công tác xử lý tội phạm về động vật hoang dã tại Việt Nam.

Các sản phẩm trang sức nghi được làm từ ngà voi 
Theo thống kê, trong quý I năm 2022, cả nước có 808 vụ vi phạm về động vật hoang dã; trong đó có 46 vụ buôn lậu, vận chuyển, buôn bán lớn động vật hoang dã; 588 vụ buôn bán và quảng cáo động vật hoang dã; 164 vụ tàng trữ, nuôi nhốt động vật hoang dã trái phép và 29 vụ săn bắt động vật hoang dã trái phép…

Thiếu tá Nguyễn Thế Anh, cán bộ Phòng Cảnh sát môi trường, Công an tỉnh Đắk Lắk cho biết, trong tháng 3 và tháng 4-2022, đơn vị đã tiến hành kiểm tra 20 cơ sở kinh doanh các sản phẩm, đồ lưu niệm du lịch trên địa bàn tỉnh thì phát hiện 7 cơ sở kinh doanh các sản phẩm, đồ lưu niệm liên quan đến động vật hoang dã. Qua đó thu giữ hơn 2.000 sản phẩm trang sức như: ngà voi, răng nanh, móng vuốt động vật… và tham mưu cho UBND tỉnh Đắk Lắk xử phạt các cơ sở vi phạm hơn 2,1 tỷ đồng.

Thiếu tá Nguyễn Thế Anh phát biểu tại tọa đàm
Bà Bùi Thị Hà, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục thiên nhiên cho biết, tỉnh Đắk Lắk là một trong những điểm nóng về tình trạng mua, bán lẻ các sản phẩm ngà voi. Do tỉnh Đắk Lắk có quần thể voi lớn nhất cả nước nên khách du lịch Việt Nam và châu Á có xu hướng mua bán các sản phẩm chế tác từ ngà voi. Do đó, cơ quan chức năng cần nâng cao nhận thức của người dân và du khách để có thể ngăn chặn, giảm thiểu các vi phạm liên quan đến voi và ngà voi trên địa bàn tỉnh.

Tin cùng chuyên mục