Trong 9 tàu vỏ thép NĐ-67 có 8 máy tàu “nhái” hãng Mitsubishi

Đại diện hãng máy Mitsubishi đã tiến hành kiểm tra tất cả 9 con tàu NĐ-67, lắp máy của hãng này. Thế nhưng, trong 9 con tàu thì chỉ được 1 con tàu lắp hàng thật, còn lại đều là hàng “nhái”.

Kết quả trên được đưa ra, sau khi các chuyên gia đại diện hãng máy Mitsubishi, trụ sở tại Singapore đã về đến Bình Định để phối hợp với Tổ thẩm định của Sở NN-PTNT Bình Định để cùng thẩm định chất lượng 18 con tàu vỏ thép bị hư hỏng trong ngày 8-6.

Trong 9 tàu vỏ thép NĐ-67 có 8 máy tàu “nhái” hãng Mitsubishi ảnh 1 Các thợ sửa máy Công ty Nam Triệu sửa máy những con tàu vỏ thép NĐ-67 ở Cảng Đề Gi (huyện Phù Mỹ, Bình Định). Ảnh: Ngọc Oai
Ngày 9-6, trao đổi với báo chí tại Bình Định, ông Teddy Trương Thưởng, đại diện bán hàng của hãng Mitsubishi tại Việt Nam cho biết: Hôm qua chúng tôi đã tiến hành kiểm tra tất cả 9 con tàu vỏ thép NĐ- 67 trong đó chỉ có 1 máy tàu là chính hãng Mitsubishi, còn lại thì không phải do kênh chính hãng phân phối của đơn vị này cung cấp.

“Theo nhìn nhận của chúng tôi ban đầu, thì 8 cái máy này không giống với máy thủy chính hãng, do bên mình cung cấp, có nhiều chi tiết đã hoán cải ví dụ như tấm ghi thông số động cơ có dấu hiệu không phải của hãng. Còn để khẳng định 8 máy này là máy bộ hay máy thủy thì chúng tôi cần làm việc với bên cơ sở đóng tàu thì mới biết được.” – ông Teddy Trương Thưởng cho hay.

Cũng trong sáng 9-6, Bộ NN-PTNT do Thứ trưởng Vũ Văn Tám đã chủ trì Hội nghị "Chuyên đề đóng mới, nâng cấp tàu cá theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP ngày 7/7/2014 của Chính Phủ về một số chính sách phát triển thủy sản" tại Bình Định.

Trong 9 tàu vỏ thép NĐ-67 có 8 máy tàu “nhái” hãng Mitsubishi ảnh 2 Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám  trả lời báo chí tại hội nghị sáng 9-6-2017. Ảnh: Ngọc Oai.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám cho hay, sẽ tạm dừng không cho 2 Công ty TNHH MTV Nam Triệu và Công ty TNHH Đại Nguyên Dương nhận hợp đồng đóng tàu mới, yêu cầu các công ty khắc phục sự cố tàu thép hư hỏng ở Bình Định.

Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám, hiện Tổ thẩm định của Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định đang tiếp tục kiểm tra các tàu vỏ thép bị hỏng, cùng với đó sẽ xác định nguyên nhân “truy” trách nhiệm thuộc về bên nào.

Thứ trưởng Vũ Văn Tám nhấn mạnh, quan điểm của Bộ NN-PTNT trách nhiệm cuối cùng thuộc về các cơ sở đóng tàu, cụ thể là 2 Công ty TNHH MTV Nam Triệu; Công ty TNHH Đại Nguyên Dương. Các công ty này phải có trách nhiệm đối với những con tàu do họ làm ra. Đối với những con tàu nếu không được lắp máy thủy nguyên chiếc, hoặc không chính hãng thì yêu cầu cơ sở đóng tàu phải thay lại máy cho ngư dân.

Thứ trưởng Vũ Văn Tám cũng cho biết, qua cuộc họp với UBND tỉnh Bình Định chúng tôi đã đưa ra thống nhất, sau khi Tổ thẩm định có kết luận thì những con tàu vỏ thép đóng không đúng vật liệu như hợp đồng dứt khoát phải có trách nhiệm khắc phục, thậm chí thay cả vỏ thép cho đúng hợp đồng, đúng nguyện vọng ngư dân. Nếu không phải chịu phạt theo hợp đồng đã ký kết.

Ông Trần Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho hay: Quan điểm của tỉnh trước nay vẫn thế, sau khi Tổ thẩm định độc lập kiểm tra, báo cụ cụ thể, UBND tỉnh sẽ có chỉ đạo quyết liệt để xử lý sự việc. Đối với thân tàu, vỏ tàu rỉ sét… phải thay thế bằng thép mới đúng chất lượng theo hợp đồng đã ký kết với ngư dân. Về máy thủy không đúng như thiết kế thì cũng phải thay máy mới, các trang thiết bị trên tàu cũng phải mới hoàn toàn.

Lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định liên hệ với công an tỉnh này, yêu cầu vào cuộc điều tra vụ việc. Bên cạnh đó, tỉnh Bình Định đã yêu cầu 2 công ty phải khắc phục những thiệt hại mà các nhà máy đóng tàu này gây ra cho ngư dân; những tổn thất khi ra khơi bị hỏng máy của ngư dân, cả tổn thất nằm bờ…

Tin cùng chuyên mục