(SGGP).- Ngày 22-11, trả lời câu hỏi của phóng viên tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao, đề nghị cho biết quan điểm của Việt Nam trước việc Trung Quốc cấp hộ chiếu phổ thông điện tử cho công dân của nước này, trong đó có in hình bản đồ Trung Quốc bao gồm đường đứt đoạn, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lương Thanh Nghị nhấn mạnh: “Việc làm trên của Trung Quốc đã vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với các vùng biển liên quan ở biển Đông. Đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gặp đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội trao công hàm phản đối và yêu cầu Trung Quốc hủy bỏ những nội dung sai trái in trên hộ chiếu phổ thông điện tử nói trên”.
Về thông tin cho rằng sau khi Hội nghị ASEAN 21 kết thúc, các nước tuyên bố chủ quyền tại biển Đông thuộc khối ASEAN sẽ có cuộc họp vào ngày 12-12-2012 tại Manila để thảo luận về vấn đề này, ông Nghị cho biết: “Chúng tôi đã được phía Philippines thông báo về vấn đề này và đang chờ thư mời chính thức trong đó sẽ thống nhất về cách thức tổ chức, nội dung và thời gian của cuộc gặp gỡ.
Việc tham vấn giữa các nước ASEAN về vấn đề biển Đông là việc làm bình thường và thường xuyên để thúc đẩy việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn hàng hải ở biển Đông cũng như để thúc đẩy việc giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế trong đó có Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển 1982 và các thỏa thuận và cam kết đã có như Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC), Tuyên bố về Nguyên tắc 6 điểm của ASEAN và mới đây là Tuyên bố chung cấp cao kỷ niệm 10 năm DOC”.
* Liên quan đến ý kiến cho rằng thực tế Chính phủ Việt Nam ban hành Quyết định 20 là nhằm hạn chế các chương trình truyền hình nước ngoài, nhất là các chương trình tin tức, ông Nghị nói: “Theo chúng tôi được biết, quy định việc biên tập, biên dịch kênh chương trình truyền hình nước ngoài trên truyền hình trả tiền đã được quy định trong các văn bản pháp luật trước đây, trong đó có Quyết định 79 ngày 18-6-2002 do Thủ tướng chính phủ ban hành. Quy chế quản lý hoạt động truyền hình trả tiền ban hành kèm theo Quyết định 20 ngày 24-3-2011 của Thủ tướng Chính phủ chỉ nhằm cụ thể hóa các yêu cầu biên tập, biên dịch đối với kênh truyền hình nước ngoài đã có trước đây, nhằm tạo điều kiện để người dân Việt Nam tiếp cận dễ dàng hơn với nội dung các chương trình bằng tiếng nước ngoài.
Chính sách nhất quán của chính phủ Việt Nam là tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Việt Nam trên các lĩnh vực khác nhau, trong đó có ngành truyền hình. Đến nay theo chúng tôi được biết đã có hơn 70 chương trình truyền hình nước ngoài đăng ký cung cấp trên dịch vụ truyền hình trả tiền của Việt Nam. Việc có nhiều kênh truyền hình nước ngoài hoạt động tại Việt Nam cũng sẽ khuyến khích và tạo điều kiện phát triển ngành truyền hình trả tiền ở Việt Nam, đồng thời giúp người dân Việt Nam được tiếp cận nhiều với thông tin từ bên ngoài. Trong quá trình triển khai quy định này, các cơ quan chức năng của Việt Nam vẫn tiếp tục tiếp thu và xem xét ý kiến của các bên liên quan”.
Th.Nam