Trung Quốc siết chặt dạy thêm bất hợp pháp

Nhằm chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, học thêm trái quy định, Bộ Giáo dục Trung Quốc ban hành quy định mới: Các cơ sở dạy thêm không có giấy phép sẽ bị áp dụng mức phạt 100.000 NDT (13.747 USD).
Học sinh tiểu học tại tỉnh Quý Châu, Trung Quốc làm bài tập sau giờ học
Học sinh tiểu học tại tỉnh Quý Châu, Trung Quốc làm bài tập sau giờ học

Quy định mới chính thức có hiệu lực từ ngày 15-10-2023. Theo đó, những giáo viên đang làm việc tại các trường trung và tiểu học, nếu tự ý dạy các môn học có thu phí sẽ bị xử phạt nặng. Đây là biện pháp mới nhất của Chính phủ Trung Quốc sau hơn 2 năm thực hiện chính sách “giảm kép”, tức giảm bài tập về nhà và giảm dạy thêm, học thêm.

Theo quy định, hàng loạt trung tâm dạy học thêm phải đóng cửa hoặc chuyển thành tổ chức phi lợi nhuận, không trung tâm mới nào được cấp phép. Trường học cũng phải giảm bài tập về nhà hàng ngày.

Cuối năm ngoái, Bộ Giáo dục Trung Quốc ban hành quy định yêu cầu các chương trình dạy thêm không được bao gồm nội dung liên quan đến nhà trường, thời gian học không được trùng với thời gian học trên trường. Các cơ sở cung cấp dịch vụ dạy thêm không được tính phí trong khoảng thời gian dài hơn 3 tháng, hoặc 60 giờ học. Ngoài ra, không được thu phí hơn 5.000 NDT (687,56 USD) cho các khóa học thông qua thanh toán một lần, hoặc thông qua các hình thức trá hình như nạp thẻ trả trước.

Động thái này vừa nhằm giảm bớt áp lực cho trẻ, vừa thúc đẩy tỷ lệ sinh của đất nước thông qua giảm chi phí chi tiêu trong gia đình. Phí học thêm cao, hiện vượt mức 100.000 NDT (13.912 USD/năm) ở các thành phố như Thượng Hải, bị xem là nguyên nhân làm căng thẳng thêm các vấn đề xã hội ở Trung Quốc, trong đó có tỷ lệ sinh thấp.

Bộ Giáo dục cho biết, dù đã áp dụng các biện pháp siết chặt quản lý, nhưng hoạt động dạy thêm sau giờ học chính vẫn tiếp diễn ở các mức độ khác nhau, vấn nạn các cơ sở dạy thêm tư nhân thu tiền rồi bỏ trốn vẫn xảy ra. Để tránh bị kiểm tra, một số cơ sở đào tạo đã chuyển sang hoạt động “ngầm”, nhiều lớp học thêm, luyện thi hoạt động theo hình thức “du kích”, như mở lớp trong các tòa nhà văn phòng ngụy trang bên ngoài, hoặc chuyển địa điểm sang quán cà phê có người trông chừng...

Sự cạnh tranh học thuật khốc liệt và văn hóa coi trọng điểm số khiến “ngành công nghiệp dạy thêm” sau giờ học ở Trung Quốc đã tăng trưởng theo cấp số nhân trong những năm gần đây. Trước khi chính sách “giảm kép” được ban hành, gần 80% phụ huynh Trung Quốc thừa nhận đã gửi con đến các lớp học thêm sau giờ học.

Hiệp hội Giáo dục quốc gia cho biết, các bậc cha mẹ Trung Quốc chi trung bình 120.000 NDT (khoảng hơn 16.500 USD/năm cho việc học ngoại khóa của con cái, thậm chí một số người bỏ ra tới 300.000 NDT (41.000 USD). Hơn 40% phụ huynh cảm thấy họ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc gửi con đến các lớp học sau giờ học vì áp lực cạnh tranh khốc liệt.

Do đó, dù đánh giá cao những quy định mới của Bộ Giáo dục, nhưng theo ý kiến của một số chuyên gia giáo dục, nếu không có những thay đổi đối với hệ thống kỳ thi quốc gia thì nhu cầu học thêm sẽ không thuyên giảm. Hiện nay, kỳ thi quốc gia Trung Quốc chỉ sử dụng điểm số để quyết định học sinh có đủ tiêu chuẩn xét tuyển vào một trường, hay trường đại học tốt hay không.

Tin cùng chuyên mục