Theo South Morning China Post, Bộ trưởng Kinh tế số và xã hội Thái Lan Buddhipongse Punnakanta cho biết trung tâm này có nhiệm vụ xác minh tin tức thuộc mọi lĩnh vực, từ chăm sóc sức khỏe, thiên tai, kinh tế, trật tự xã hội, an ninh quốc gia... đến các chính sách của chính phủ.
Theo ông Punnakanta, Trung tâm chống tin giả Thái Lan có một trang mạng xã hội Facebook, một trang web và nhóm sử dụng ứng dụng nhắn tin Line để công bố những tin tức bị xác minh là giả mạo. Tại các diễn đàn này, người dùng cũng có thể trình báo những thông tin mà họ cho là thất thiệt.
Không chỉ Thái Lan, trong tháng 10, Luật chống tin giả ở Singapore đã bắt đầu có hiệu lực, theo đó, các công ty truyền thông trực tuyến phải gỡ bỏ hoặc đính chính nội dung mà nhà chức trách xác định là bịa đặt, sai trái. Các trường hợp vi phạm nghiêm trọng có thể bị phạt tiền, thậm chí bị tù.
Ở Philippines, đích thân Tổng thống Rodrigo Duterte cũng đã có những hành động mạnh tay đối với những tờ báo thuộc sở hữu của nước ngoài cũng như các trang mạng xã hội trên Facebook, những tổ chức mà nhà lãnh đạo Philippines cho là chuyên phao và lan truyền tin giả chống lại chính quyền.
Tại Malaysia, vào tháng 4-2018, chính quyền nước này đã hình sự hóa tội tung tin giả trên mạng. Theo đó, các đối tượng cố ý tung tin giả có thể bị phạt tù tới 6 năm. Phạm vi áp dụng luật mới rất rộng, gồm cả ấn bản số và truyền thông xã hội. Đối tượng tung tin giả có thể sống tại Malaysia hoặc quốc gia khác, gồm cả người nước ngoài nếu hậu quả ảnh hưởng tới Malaysia hoặc công dân nước này.