Người dân mong chờ gì ở Đại hội XI của Đảng, đâu là khâu đột phá trong lĩnh vực xây dựng Đảng, vì sao quyền chất vấn của cán bộ, đảng viên chưa được sử dụng đúng mức… Phóng viên Báo SGGP đặt ra những vấn đề trên đối với đồng chí PHẠM PHƯƠNG THẢO, Chủ tịch HĐND TP trước khi cùng Đoàn đại biểu TPHCM tham dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI.
Người dân chờ đợi gì ở Đại hội XI của Đảng?
- PV: Hẳn đồng chí còn nhớ không khí sôi nổi trước và trong Đại hội VI của Đảng (năm 1986), khi đó mọi người háo hức chờ xem đại hội (ĐH) làm thế nào có quyết sách đưa nước nhà thoát khỏi khủng hoảng... Còn bây giờ, dường như thái độ của mọi người bình lặng hơn. Phải chăng, đó là do sự phát triển đã ổn định, đất nước không rơi vào tình cảnh bị “dồn vào chân tường” như trước hay vì người dân khó đợi chờ có sự đột phá ở ĐH?
Đồng chí PHẠM PHƯƠNG THẢO: Ở mỗi thời điểm, người dân có sự quan tâm tới những vấn đề khác nhau. Mỗi năm, mỗi nhiệm kỳ, đất nước bước sang trang mới, kinh tế phát triển hơn, đời sống nhân dân không ngừng cải thiện và vị thế của Việt Nam ngày càng được khẳng định trên trường quốc tế. Trong quá trình hội nhập, sự đòi hỏi của đất nước, sự phát triển ngày càng cao hơn, do đó cách tiếp cận đã được nâng lên ở cấp độ cao hơn. Người dân đòi hỏi cao hơn về chất lượng tăng trưởng, sự công bằng, tiến bộ nhiều mặt của xã hội. Tất nhiên, có những công trình, chương trình ĐH đề ra không hẳn chỉ thực hiện trong một nhiệm kỳ. Do vậy, vấn đề còn ở góc nhìn nữa.
- Vậy ở Đại hội XI, người dân có thể trông chờ sự đổi mới nào để tạo sức bật lớn giống như Đại hội VI năm 1986 không?
Ai cũng kỳ vọng, mong chờ vào sự đổi mới ngày càng tốt hơn để đất nước phát triển bền vững hơn. Đại hội lần này sẽ bổ sung, phát triển Cương lĩnh năm 1991, sẽ thông qua Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, mở đường cho việc sửa đổi Hiến pháp và những cải cách mạnh mẽ hơn về thể chế và tổ chức bộ máy nhà nước. Tất cả tùy thuộc vào yêu cầu của cuộc sống, nhất là từ những lĩnh vực đang đòi hỏi tiếp tục cải cách như thể chế, tổ chức bộ máy, cán bộ... Chưa bao giờ, sự vận động, thay đổi của xã hội trên phạm vi toàn thế giới cũng như mỗi quốc gia mạnh mẽ như bây giờ, nên đây là lúc đòi hỏi Việt Nam cũng phải có những thay đổi thật mạnh mẽ để hội nhập và phát triển. Đáp ứng được yêu cầu đó chính là thước đo năng lực lãnh đạo của Đảng. Vừa qua, chúng ta đã có nhiều đổi mới về cơ chế quản lý kinh tế nhưng sự đổi mới về tổ chức bộ máy lãnh đạo và quản lý thì chưa tương xứng. Vì vậy, bổ sung, phát triển Cương lĩnh kỳ này sẽ tạo ra sức bật mới cho sự phát triển của đất nước.
- Quan điểm của Đảng ta là “phát triển kinh tế là trọng tâm, xây dựng Đảng là then chốt”, nhưng hầu như tại các đại hội, chỉ tập trung thảo luận kinh tế - xã hội, ít bàn đến xây dựng Đảng, trong khi đó, như Bác Hồ từng nói “Việc trước tiên phải bàn là xây dựng củng cố Đảng…”?
Mỗi đại hội đều có bàn về Đảng. Đại hội này, tôi hy vọng với tinh thần nhìn thẳng sự thật như ở Đại hội VI trước đây để đánh giá đúng thực chất, mặt mạnh, mặt yếu, làm rõ nguyên nhân, bài học để có chủ trương, giải pháp xây dựng Đảng ngang tầm với tình hình, nhiệm vụ mới, để mỗi lần đại hội, Đảng thêm trưởng thành. Theo tôi, Đảng cần quan tâm đúng mức công tác cán bộ vì cán bộ có đức có tài là nhân tố đặc biệt quan trọng để có được những chủ trương đúng đắn và quyết định thắng lợi khi tổ chức thực hiện. Cấp ủy Đảng không nhất thiết có số lượng quá đông. Cần coi trọng chất lượng, tiêu chuẩn và nhất là người đứng đầu phải thật sự tiêu biểu về đức, tài. Ở đâu đó, người dân thấy có cả những người chưa thật sự nổi trội vẫn được cơ cấu vào cấp ủy và được giao nhiệm vụ chưa phù hợp với chuyên môn, sở trường…
Đổi mới cả phương thức và phong cách lãnh đạo
- Theo đồng chí, cần đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước như thế nào?
Đổi mới phương thức của Đảng đối với Nhà nước là nhằm tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước, là để phát huy vai trò của Nhà nước trong quản lý kinh tế - xã hội, đồng thời phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Chúng ta quan niệm Đảng lãnh đạo bằng đường lối, chủ trương, thực hiện thông qua tổ chức, cán bộ, đảng viên và công tác kiểm tra. Đảng lãnh đạo đối với cơ quan Nhà nước chủ yếu lãnh đạo việc thể chế đường lối, chủ trương của Đảng, là xây dựng quy chế làm việc bảo đảm cho sự phân công và phối hợp nhịp nhàng, năng động và có hiệu quả, bảo đảm sự hài hòa giữa lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng. Tránh tình trạng can thiệp sâu vào công việc thuộc chức năng chính quyền, bao biện làm thay chính quyền. Không để chính quyền ỷ lại, dựa dẫm vào cấp ủy, việc gì cũng xin chỉ thị cấp ủy, không dám chịu trách nhiệm. Đảng không chỉ đổi mới phương thức lãnh đạo mà cả phong cách lãnh đạo.
- Và cả cải cách thủ tục trong Đảng?
Đúng thế! Khi thảo luận về công tác xây dựng Đảng tại Đại hội XI của Đảng, cần bàn sâu hơn vấn đề tổ chức bộ máy và cải cách thủ tục trong Đảng. Hiện nay có nhiều thủ tục trong Đảng rườm rà, tiến độ triển khai công việc chưa thật nhanh gọn, làm giảm đi tính năng động, năng lực, sức chiến đấu của tổ chức Đảng và mỗi đảng viên.
- Theo đồng chí, có nên bỏ mô hình “Ban cán sự Đảng UBND TP” để Thành ủy lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp được không?
Tôi nghĩ cấp ủy nên lãnh đạo trực tiếp đối với chính quyền, bởi hầu hết các đồng chí lãnh đạo UBND TP đều là ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy hoặc là Thành ủy viên cả. Có thời kỳ, chúng ta đâu có ban cán sự UBND, Thành ủy lãnh đạo trực tiếp, thông qua các đồng chí trong cấp ủy. Như thế, việc triển khai nghị quyết nhanh hơn, không tốn nhiều thời gian, lại giảm họp hành. Trong Hiến pháp cũng đề cập rõ là Đảng lãnh đạo Nhà nước rồi.
- Đồng chí có ý kiến gì về đề án hợp nhất một số ban Đảng với sở - ngành khối chính quyền?
Cũng nên xem xét, chẳng hạn hợp nhất tổ chức với nội vụ, thanh tra - kiểm tra, văn hóa - tuyên giáo… để tinh gọn và giúp bộ máy hoạt động hiệu quả, linh hoạt hơn. Tuy nhiên, cần làm thí điểm, có lộ trình, bước đi phù hợp.
Tính toán cơ học làm mất đi cơ hội
- Tại sao việc chất vấn trong Đảng rất ít xảy ra, nếu có thì rất “êm ả” - khác xa so với chất vấn sôi nổi, thậm chí gay gắt ở diễn đàn Quốc hội và HĐND?
Một phần là do chúng ta chưa tạo được thói quen thôi! Quy định chất vấn trong Đảng có rồi đấy, chỉ cần cấp ủy, nhất là người đứng đầu có quan tâm đúng mức, đưa vào chương trình kỳ họp, thì sẽ làm được. Vấn đề là cấp dưới có dám chất vấn cấp trên không, cùng cấp có chất vấn nhau không, hay còn nể nang, e ngại… Theo tôi, Đảng cần khuyến khích để việc chất vấn trở thành sinh hoạt bình thường trong Đảng.
- Theo đồng chí, tỷ lệ phiếu cao trong đại hội có đồng nghĩa với sự tín nhiệm cao không?
Trong nhiều trường hợp, số phiếu cao đồng nghĩa với độ tín nhiệm cao. Tuy nhiên, người có số phiếu thấp hơn, chưa phải đã là người có độ tín nhiệm thấp hay năng lực thua kém. Có thể do các đại biểu thiếu thông tin, hoặc thông tin sai. Có trường hợp, người làm công việc ít va chạm thì có số phiếu cao hơn người làm công việc phức tạp, nhiều va chạm. Ngoài ra, còn một vài yếu tố khác cũng dễ ảnh hưởng tới tỷ lệ phiếu bầu.
- Theo đồng chí, việc quy định độ tuổi tham gia cấp ủy tính theo tháng là thể hiện sự công bằng hay khắc nghiệt?
Theo tôi, cũng nên cân nhắc tính toán trọng dụng một số trường hợp có quá tuổi một chút, bởi người giỏi, nhất là người có đức, có tài họ có thể cống hiến có hiệu quả cho xã hội cả đời. Không nên để những con số tính toán cơ học làm mất đi cơ hội trọng dụng nhân tài.
- Xin cảm ơn đồng chí!
Phát huy dân chủ trong Đảng - Trong kinh tế có chương trình đột phá, vậy trong xây dựng Đảng, theo đồng chí có khâu nào đột phá? Nên bắt đầu đột phá từ dân chủ trong Đảng. Phát huy dân chủ trong Đảng vừa là cơ sở để thực hiện mục tiêu xây dựng nền dân chủ nhân dân, vừa là động lực để nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng. Bác Hồ từng nói: “Để làm cho Đảng mạnh, thì phải mở rộng dân chủ”. Dân chủ thể hiện trước hết trong sinh hoạt Đảng. Dân chủ thể hiện trong việc đề ra đường lối, chủ trương đến công tác cán bộ. Sinh hoạt dân chủ, chất lượng cao sẽ làm cho Đảng mạnh. Nhưng dân chủ phải đi đôi với tập trung. Phát huy dân chủ đồng thời phải chống dân chủ cực đoan, dân chủ hình thức, bất chấp kỷ cương phép nước. Dân chủ cần được mở rộng tối đa khi đánh giá tình hình, bàn chủ trương, giải pháp, đến lượt thực thi phải có “nhạc trưởng”, có “tư lệnh” vùng, lĩnh vực, có người chịu trách nhiệm. Nguyên tắc tập trung dân chủ phải được thực hiện theo đúng Điều lệ Đảng và trong mối quan hệ đồng bộ với các nguyên tắc khác như tự phê bình và phê bình, đoàn kết thống nhất trong Đảng… |
Tuấn Sơn – Hồng Hiệp