Theo báo cáo của Tỉnh ủy An Giang, nhiệm kỳ 2015 - 2020, tỉnh tập trung nguồn lực thực hiện đạt và vượt 8/15 chỉ tiêu nghị quyết đề ra; kinh tế tăng trưởng qua từng năm phù hợp với nguồn lực của địa phương. Tốc độ tăng trưởng GRDP giai đoạn 2015 - 2020 đạt 5,25%. Quy mô nền kinh tế tăng khá, năm 2020 đạt 89.362 tỷ đồng; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực; đời sống người dân không ngừng cải thiện, GRDP bình quân đầu người năm 2020 đạt trên 46,8 triệu đồng (tăng 16 triệu đồng so năm 2015); tỷ lệ hộ nghèo đến năm 2020 giảm còn 1,93%.
Đồng chí Võ Thị Ánh Xuân, Bí thư Tỉnh ủy An Giang cho biết, với phương châm “dân chủ - đoàn kết - khát vọng - phát triển”, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI nêu cao quyết tâm chính trị, hướng tới mục tiêu “Phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, khát vọng phát triển, xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, dân chủ, đổi mới, sáng tạo; giữ vững quốc phòng - an ninh; khai thác tốt lợi thế và tiềm năng, tạo động lực mới để đến năm 2025 kinh tế An Giang thuộc nhóm đầu khu vực ĐBSCL và đạt mức trung bình cả nước; đến năm 2030 đạt trên mức trung bình cả nước”.
Phát biểu chỉ đạo đại hội, đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, biểu dương những kết quả mà tỉnh An Giang đạt được trong thời gian qua. Đây là tiền đề để An Giang tiếp tục phát triển mạnh mẽ, vững chắc hơn trong giai đoạn tiếp theo. An Giang là địa phương có bề dày lịch sử, giàu truyền thống yêu nước, quê hương của Chủ tịch Tôn Đức Thắng – người cộng sản kiên cường, nhà lãnh đạo mẫu mực, người bạn chiến đấu thân thiết của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại; người chiến sĩ trung thành của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Người dân An Giang anh dũng, kiên cường trong kháng chiến; cần cù, sáng tạo trong lao động. 5 năm qua, trong điều kiện phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng Đảng bộ và nhân dân An Giang với nỗ lực lớn đã đạt được nhiều thành quả quan trọng và khá toàn diện.
Đồng chí Võ Văn Thưởng cho rằng, An Giang là tỉnh có nhiều tiềm năng, lợi thế, cơ hội phát triển. Là địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL, hạ tầng giao thông ngày càng cải thiện, tạo điều kiện thuận lợi cho thu hút đầu tư, phát triển thương mại, dịch vụ, kết nối giao thương với các tỉnh. An Giang tiếp giáp với Campuchia có nhiều cửa khẩu quốc tế và quốc gia; là cửa ngõ của trục Đông Tây thông thương giữa ĐBSCL và các nước Đông Nam Á… Do đó, tới đây, tỉnh xác định rõ ngành, lĩnh vực trọng tâm để tăng cường hợp tác, liên kết phát triển; thực hiện đề án liên kết phát triển bền vững tiểu vùng Tứ giác Long Xuyên trên cơ sở phát huy thế mạnh đặc thù của mỗi địa phương.
An Giang khẳng định nông nghiệp là nền tảng của nền kinh tế; dịch vụ, du lịch và công nghiệp là động lực cho phát triển. Tỉnh cần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp, tập trung ứng dụng công nghệ cao, hữu cơ, an toàn sinh học, phục vụ cho thị trường trong nước và xuất khẩu; khuyến khích đổi mới, sáng tạo, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong nông nghiệp. An Giang là một trong những tỉnh trọng điểm về quốc phòng - an ninh của khu vực Tây Nam bộ; vì vậy cần tăng cường lãnh đạo củng cố quốc phòng, an ninh, kết hợp chặt chẽ với phát triển kinh tế - xã hội. Tăng cường đối ngoại, thực hiện tốt hợp tác với các tỉnh biên giới Campuchia; không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống…
Để An Giang đạt được các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, đồng chí Võ Văn Thưởng đề nghị các ban, bộ ngành Trung ương tiếp tục nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách, hỗ trợ nguồn lực; thường xuyên tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện để An Giang phát triển nhanh và bền vững trong thời gian tới…