Trường mầm non ngoài công lập loay hoay tuyển dụng, giữ chân giáo viên

Tháng 8 hàng năm là cao điểm các trường mầm non ngoài công lập, nhóm trẻ tư thục tại TPHCM ráo riết tuyển dụng giáo viên chuẩn bị cho năm học mới. Thế nhưng, không dễ tuyển dụng ứng viên đáp ứng yêu cầu.
Buổi cơm trưa của các em nhỏ tại Trường Mầm non tư thục Học viện Thiên Thần quận 7. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Buổi cơm trưa của các em nhỏ tại Trường Mầm non tư thục Học viện Thiên Thần quận 7. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Mở rộng điều kiện tuyển dụng

 Trong vai sinh viên vừa ra trường muốn nộp hồ sơ ứng tuyển vị trí giáo viên mầm non, PV Báo SGGP được nhân viên Trường Mầm non K.G. (quận Gò Vấp) thông tin, nếu chỉ có bằng trung cấp sư phạm mầm non vẫn được tạo điều kiện đứng lớp, lương và chế độ sẽ được thỏa thuận sau khi đánh giá mức độ đáp ứng công việc. Trong khi trước đó, thông báo tuyển dụng của trường ghi rõ: “Ứng viên phải có trình độ đại học hoặc cao đẳng, có kinh nghiệm làm việc lâu năm ở bậc mầm non”. 

Tương tự, tại Trường Mầm non V.M. (huyện Bình Chánh), thông báo tuyển dụng yêu cầu ứng viên phải có bằng cao đẳng hoặc đại học chuyên ngành mầm non, nhưng vẫn chấp nhận bằng trung cấp trong trường hợp ứng viên đang học liên thông cao đẳng. Tuy nhiên, để tránh tình trạng ứng viên nhảy việc sau khi kết thúc thời gian thử việc, trường quy định trong năm đầu tiên công tác, ngày phép không tính theo năm mà được quy đổi 1 ngày/tháng. Sau 1 năm làm việc, giáo viên được hưởng chế độ 12 ngày phép/năm.

Còn Trường Mầm non N.B. (quận Bình Thạnh) thì giảm thời gian thử việc từ 2 tháng xuống còn 1 tháng đối với tất cả ứng viên. Nếu vượt qua vòng phỏng vấn, ứng viên được yêu cầu đi làm ngay trong tuần và nếu đáp ứng tốt yêu cầu công việc sẽ được ký hợp đồng chính thức từ đầu năm học 2022-2023.  

Năm nay, hầu hết các trường ngoài công lập đều mở rộng điều kiện tuyển dụng giáo viên, nhận hồ sơ và phỏng vấn ngay khi ứng viên đăng ký. Nguyên do là phần lớn trường thiếu giáo viên, mặc dù vẫn thông báo tuyển dụng quanh năm.

“Thu nhập hạn chế, không đủ sức giữ chân đội ngũ. Thời điểm hiện tại, lương khởi điểm của giáo viên trường mầm non ngoài công lập dao động từ 6-8 triệu đồng/tháng (tùy quy mô trường); nhóm trẻ tư thục chỉ từ 5-6 triệu đồng/tháng”, một giáo viên mầm non cho biết.

Riêng trong thời gian thử việc, dù vẫn đảm bảo thời gian đứng lớp từ 8-9 giờ/ngày nhưng các cô giáo mầm non chỉ được trả 70%-80% lương, khiến nhiều người bỏ nghề tìm công việc khác thu nhập cao hơn.

Cô Võ Thị Anh, quản lý 2 cơ sở mầm non tư thục trên địa bàn quận 12 và Gò Vấp, cho biết, trải qua 2 năm cầm cự do ảnh hưởng của dịch Covid-19, kinh phí hoạt động của trường gặp nhiều khó khăn.

“Trường tư phải tự chủ về tài chính nên cơ chế quản lý khác so với trường công. Nếu doanh số trẻ đến lớp tốt, giáo viên có thể được tăng lương. Ngược lại, giáo viên cần chia sẻ khó khăn chung với nhà trường nếu nguồn thu bị giảm sút”, cô Anh cho biết.  

Nỗ lực giữ chân giáo viên

 Để giữ chân giáo viên, ngoài thu nhập “cứng” hàng tháng, nhiều trường mầm non ngoài công lập quy định thêm các chế độ thưởng như: giới thiệu thêm học sinh mới, duy trì sĩ số đến cuối năm học... Mới đây, Trường Mầm non C.T. (quận Tân Phú) đăng tải công khai thông báo tuyển dụng trên website trường với nhiều quy định mới so với năm học trước, như: hỗ trợ tiền ăn trưa cho giáo viên, giảm từ 30%-50% học phí cho con giáo viên học tại trường, phụ cấp tiền giữ trẻ ngoài giờ…

Còn đại diện Trường Mầm non H.T. (huyện Bình Chánh) cũng cho biết, trước đây chỉ nhận hồ sơ xin việc của các ứng viên dưới 35 tuổi, nhưng năm học này, trường không quy định độ tuổi mà dựa vào năng lực làm việc của ứng viên để thỏa thuận thu nhập và phân chia công việc phù hợp. 

Trường Mầm non Mặt Trời Đỏ (Khu công nghiệp Tân Tạo, quận Bình Tân) cũng nhận hồ sơ ứng viên không cần kinh nghiệm. Giáo viên sau khi ký hợp đồng làm việc sẽ được tham gia các lớp tập huấn trong thời gian đứng lớp để nâng cao tay nghề chuyên môn. Đây được xem là một trong những hình thức giữ chân giáo viên, giúp các thầy cô yên tâm công tác và gắn bó lâu dài với nghề. 

Nhằm kịp thời bổ sung nguồn tuyển giáo viên, song song với các biện pháp hạ thấp yêu cầu tuyển dụng, đại diện các trường đều cho biết, cần thêm chính sách đãi ngộ để thu hút, cải thiện đời sống giáo viên. Hiện nay, TPHCM đang thực hiện chính sách hỗ trợ đối với giáo viên mầm non đang làm việc tại cơ sở giáo dục thuộc loại hình dân lập, tư thục, hoạt động trên địa bàn có khu công nghiệp với mức hỗ trợ 800.000 đồng/người/tháng.

Trước đó, thành phố cũng có nhiều chương trình hỗ trợ giáo viên đang làm việc tại các cơ sở mầm non ngoài công lập bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Về lâu dài, ngoài việc hỗ trợ thu nhập cho giáo viên, các địa phương cần quan tâm nhiều hơn nữa đến việc đầu tư, mua sắm trang thiết bị, cơ sở vật chất của các nhóm trẻ, cơ sở mầm non 
ngoài công lập để tạo môi trường làm việc tốt hơn, giúp các thầy cô gắn bó lâu dài với nghề.

Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, hiện nay cả nước thiếu hơn 71.000 giáo viên ở các cấp học, trong đó bậc mầm non thiếu nhiều nhất với hơn 45.000 giáo viên.

Tin cùng chuyên mục