Trường nghề tăng tốc chuyển đổi số

Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng đến hoạt động dạy và học của các trường nghề. Trong bối cảnh đó, cùng với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, Trường Cao đẳng Kỹ nghệ II phải đổi mới để thích ứng với bối cảnh mới, tập trung đẩy mạnh chuyển đổi số với mục tiêu hướng đến trường học thông minh, hòa nhập cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Hiệu trưởng Nguyễn Thị Hằng chúc mừng Phó Hiệu trưởng Bùi Văn Hưng và các giáo viên đạt thành tích xuất sắc trong công tác quản lý mô hình 9+
Hiệu trưởng Nguyễn Thị Hằng chúc mừng Phó Hiệu trưởng Bùi Văn Hưng và các giáo viên đạt thành tích xuất sắc trong công tác quản lý mô hình 9+

Thay đổi tư duy, quản trị trường học thông minh

Năm 2021, mặc dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, mọi hoạt động giáo dục và dạy nghề đều bị ảnh hưởng, nhưng với mục tiêu tập trung phát triển đội ngũ nhà giáo theo hướng số hóa, Trường Cao đẳng Kỹ nghệ II đã tổ chức bồi dưỡng cho 100% nhà giáo về kỹ năng giảng dạy, thiết kế bài dạy trực tuyến. Các nhà giáo được bồi dưỡng về phương pháp “sư phạm số” do chuyên gia dạy học số tại CHLB Đức đào tạo. Ngoài ra, đội ngũ nhà giáo còn được hỗ trợ đào tạo từ các chuyên gia Phần Lan, CHLB Đức, Australia nhằm giúp cán bộ, giáo viên tiếp cận quá trình chuyển đổi số, quản lý số của nhà trường. Hiện nhà trường đã đầu tư thiết bị, công nghệ để đội ngũ nhà giáo, cán bộ chuẩn bị bài giảng và giảng dạy, đáp ứng yêu cầu hướng đến trường học thông minh. 

Theo TS Bùi Văn Hưng, Phó hiệu trưởng, Tổ trưởng Tổ chuyển đổi số của Trường Cao đẳng Kỹ nghệ II, chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm của nhà trường trong chiến lược phát triển giai đoạn 2021-2030. Việc chuyển đổi số của nhà trường sẽ làm thay đổi tư duy quản trị, chuyển đổi việc kết nối các dữ liệu trong hệ thống hướng đến trường học thông minh.

Hiện tại, Trường Cao đẳng Kỹ nghệ II tập trung vào hoàn thiện thể chế số, phát triển công nghệ dạy học, công nghệ chuyên môn theo hướng số hóa, tập trung quản trị nhà trường theo số hóa, những nội dung này đã được đưa vào đề án chuyển đổi số của nhà trường, được xem là ưu tiên trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của đơn vị. Ngoài ra, nhà trường sẽ tập trung phát triển các hình thức dạy và học trực tuyến như: học tập kết hợp (blended learning), học đa phương pháp hoặc học theo phương thức hỗn hợp, học tập linh hoạt (flexible learning), học tập kết hợp tại lớp học, video/DVD, website tương tác (interactive websites)...

Nhà trường tập trung phát triển các mô hình đổi mới sáng tạo để thu hút học sinh và nâng cao chất lượng đào tạo gắn với nhu cầu của học viên và tín hiệu của thị trường theo hướng số hóa. Cụ thể như biến tiết học hướng nghiệp thành “giờ sản xuất”; tiếp tục dẫn dắt và truyền cảm hứng cho học sinh sinh viên (HSSV); không tách rời doanh nghiệp; phát triển đội ngũ nhà giáo thích ứng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. 

Thúc đẩy sáng tạo, khởi nghiệp trong HSSV

Việc triển khai số hóa trong quản lý, giảng dạy của nhà trường mới là bước đầu, vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức để đạt được mục tiêu chuyển đổi, phát triển nhà trường trong giai đoạn mới. TS Bùi Văn Hưng cho biết: “Trong bối cảnh đổi mới như hiện nay, cần phải quyết liệt thực hiện việc chuyển đổi số, nhất là trong môi trường giáo dục. Phải đổi mới tư duy mạnh mẽ, cứ chậm một phút là chúng ta mất đi một cơ hội, chậm đổi mới thì việc giải thể, sát nhập chỉ là thời gian”. 

Nhà trường đã thành lập Trung tâm Giáo dục thường xuyên, Trung tâm Sáng tạo khởi nghiệp, trong đó Trung tâm Giáo dục thường xuyên tổ chức tuyển sinh học sinh THCS vào trường học hệ THPT theo hệ giáo dục thường xuyên cho những em học sinh có nhu cầu, đào tạo các môn văn hóa bắt buộc theo quy định. Hiện trung tâm đã tuyển được 15 lớp đang theo học tại trường của ba hệ lớp 10,11,12; được các em học sinh, phụ huynh rất hài lòng về môi trường học tập của trường. 

Trung tâm Sáng tạo khởi nghiệp đã hỗ trợ cho sinh viên đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, hỗ trợ HSSV tại trường về các kiến thức khởi nghiệp, đồng hành cùng với HSSV trong Cuộc thi Startup Kite 2021 do Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐTB-XH) phát động. Kết quả, có 11 nhóm HSSV của các khoa Cơ khí động lực, Khoa Du lịch - Nhà hàng Khách sạn, Điện lạnh, Điện - Điện tử, Kỹ thuật Công nghệ, Bảo hộ lao động và môi trường, Y dược - Thẩm mỹ vào vòng bán kết của cuộc thi.

Trong những năm tiếp theo, nhà trường tập trung chuyển đổi số các hoạt động đến từng HSSV, doanh nghiệp trong việc phối hợp với nhà trường trong đào tạo. Trường Cao đẳng Kỹ nghệ II tập trung nâng cao chất lượng đào tạo cho các lớp văn hóa, tiếp tục tuyển sinh các lớp 10, 11, 12, hệ giáo dục thường xuyên cho những năm tiếp theo.

Nhà trường cũng tập trung phát triển đào tạo chất lượng cao theo hướng số hóa cho các nghề ở trình độ cao đẳng, trung cấp, như: cắt gọt kim loại, bảo hộ lao động, xử lý nước thải công nghiệp, chăm sóc sắc đẹp, kế toán doanh nghiệp, logistics, nghiệp vụ nhà hàng, kỹ thuật chế biến món, may thời trang, thiết kế thời trang, hàn, công nghệ ô tô, cơ điện tử, điện tử công nghiệp, điện công nghiệp, kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí, quản trị mạng máy tính, thiết kế đồ họa, kỹ thuật sửa chữa máy tính, lắp đặt máy tính.

Thúc đẩy nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế

Trường Cao đẳng Kỹ nghệ II tiếp tục duy trì và phát triển các mối quan hệ hợp tác quốc tế như: Tổ chức JICA - Nhật Bản, Dự án GIZ - Đức, Dự án Aus4skill - Australia. Giáo viên các khoa tham gia học tập bồi dưỡng ở Nhật Bản (2 người), Australia (9 người), Đức (14 người), Thái Lan (1 người), Hàn Quốc (2 người). Trường cũng triển khai chương trình hợp tác giữa Bộ LĐTB-XH Việt Nam và Bộ Lao động - Phúc lợi xã hội Lào đào tạo 15 học viên cán bộ Lào về bảo hộ lao động; đào tạo thí điểm các chương trình Ứng dụng phần mềm (tiêu chuẩn Australia), nghề xử lý nước thải công nghiệp (tiêu chuẩn Đức).

Trường cử đoàn tham gia Hội thảo quốc tế về Giáo dục nghề nghiệp tại các nước ASEAN, trong đó có Hội thảo VEEC, BUILD-IT; làm việc với Tập đoàn Phoenix Contact, CHLB Đức hỗ trợ thiết bị đào tạo công nghệ 4.0. Trường xây dựng chương trình đào tạo Logistics theo chuẩn APPEC - dự án Aus4skills - Australia; hợp tác với Trường Đại học Nam Đài (Đài Loan) đưa 3 sinh viên tham gia chương trình du học quốc tế ngành tự động hóa công nghiệp; đưa 5 giáo viên và 1 lãnh đạo đi học tập tại Phần Lan, ứng dụng và triển khai đào tạo trực tuyến hiệu quả tại trường.

Thúc đẩy liên doanh liên kết, sản xuất, kinh doanh dịch vụ gắn với đào tạo, nhà trường ký hợp tác toàn diện với 5 doanh nghiệp cùng khai thác cơ sở vật chất, tạo vị trí thực tập, việc làm cho sinh viên, doanh nghiệp chịu trách nhiệm đầu ra của sản phẩm đào tạo. Thực hiện tự chủ trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp, việc hợp tác đào tạo giữa trường và doanh nghiệp trở thành vấn đề sống còn của nhà trường; doanh nghiệp trở thành chủ thể không thể thiếu trong hoạt động của nhà trường.

-------------------

Hỗ trợ học sinh, sinh viên khó khăn do dịch Covid-19


Trước tình hình dịch Covid-19 tại TPHCM diễn biến phức tạp, sinh viên nhà trường gặp rất nhiều khó khăn, nhà trường đã có nhiều chính sách cho các em học sinh như: hỗ trợ gạo, thực phẩm thiết yếu cho tất cả các em ở ký túc xá, giảm học phí cho học sinh đang theo học tại trường, giãn việc đóng học phí cho HSSV phối hợp với Ngân hàng chính sách xã hội để hỗ trợ HSSV vay vốn khi cần thiết. Lãnh đạo nhà trường gặp gỡ, chia sẻ, động viên các em khó khăn do dịch Covid-19, tạo điều kiện cho HSSV khóa mới đóng học phí theo năng lực tài chính của gia đình, có chính sách hỗ trợ cho các em HSSV có cha/mẹ mất do dịch Covid-19. 

Đoàn TNCS Trường Cao đẳng Kỹ nghệ 2 hỗ trợ SV khó khăn mùa dịch

Đoàn TNCS Trường Cao đẳng Kỹ nghệ II cũng vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ nhu yếu phẩm trực tiếp tại ký túc xá của trường. Đối với HSSV thuê trọ tại các phường trong khu vực TP Thủ Đức, BCH Đoàn hỗ trợ bằng cách chuyển nhu yếu phẩm đến tận nơi ở của HSSV. Đối với HSSV ngoài TP Thủ Đức, BCH hỗ trợ bằng cách sử dụng các ứng dụng công nghệ chuyển nhu yếu phẩm hỗ trợ tới tận tay các bạn HSSV. Đoàn trường đã hỗ trợ hơn 70 sinh viên, trị giá mỗi phần quà hỗ trợ là 300.000 đồng. Ngoài ra, BCH đoàn trường còn hỗ trợ các trường hợp có hoàn cảnh khó khăn, các hộ dân gặp khó khăn khi di chuyển tới các khu vực giãn cách thiếu lương thực thực phẩm với tinh thần “Tương thân tương ái cùng nhau vượt qua đại dịch”.

Tin cùng chuyên mục