
Trung tâm thiết bị pccc 4/10
Mấy ai biết được, lặng thầm theo từng bước chân nóng bỏng của người lính chữa cháy là đội ngũ làm công tác nghiên cứu khoa học phục vụ cho công tác nghiệp vụ. Tuy không trực tiếp tham gia chữa cháy, nhưng những sáng kiến, cải tiến kỹ thuật của họ - CBCNV Trung tâm thiết bị PCCC 4/10 - đã ngày ngày sát cánh cùng Cảnh sát PC&CC TPHCM làm tròn nhiệm vụ vinh quang của mình…
Từ xe Kamaz chữa cháy
Đó là thời điểm những năm 80 của thế kỷ trước, khi mà việc nhập xe chữa cháy không thể thực hiện được vì kinh tế còn khó khăn, nguồn ngân sách quá hạn hẹp. Đã vậy, hàng loạt vụ cháy lớn lại xảy ra trên địa bàn thành phố. Các phương tiện chữa cháy chỉ chứa vài khối nước đủ sức cầm cự, tấn công với lửa trong vòng vài phút. Dù lực lượng chữa cháy đã triển khai đội hình lấy nước chữa cháy con thoi - một xe lấy nước rồi chạy về vị trí chiến đấu, một xe ở lại chiến đấu - nhưng vẫn không đạt hiệu quả. Thực trạng này khiến cho lực lượng chữa cháy bị mất uy tín với lãnh đạo, nghiêm trọng nhất là mất lòng tin của nhân dân. Nhiều dư luận xấu cho rằng lực lượng chữa cháy chậm triển khai chữa cháy, giả bộ hết nước để ra giá, đòi tiền của doanh nghiệp và nhân dân. Trước thực trạng như vậy, sau nhiều cuộc họp rút kinh nghiệm khá căng thẳng, UBND TPHCM chỉ đạo Công an TPHCM phải gấp rút có giải pháp khắc phục.
Giữa năm 1988, Công an TPHCM chính thức giao nhiệm vụ cho Phòng Cảnh sát PC&CC thực hiện đề tài nghiên cứu xe chữa cháy chứa được nhiều nước. Đồng chí Trần Văn Thiện, kỹ sư cơ khí, Đội trưởng Đội cơ khí - đơn vị chịu trách nhiệm sửa chữa phương tiện của Phòng CS PC&CC - được giao nhiệm vụ thiết kế cải tạo xe chữa cháy chứa được 10 khối nước. Đồng chí Thiện tâm sự: “Vì lời thề với Đảng, trách nhiệm với nhân dân, tôi không thể thoái thác, từ chối nhiệm vụ. Thật sự, khi nhận chỉ đạo của lãnh đạo Phòng CS PC&CC tôi cũng khá liều mạng, vì tôi không biết phải bắt đầu như thế nào. Thời điểm đó, các loại xe chữa cháy trưng dụng từ chế độ cũ và một số xe mới của các nước xã hội chủ nghĩa. Xe Zin 131 chứa nhiều nước nhất cũng được 2,4m3”. Theo tính toán, nếu có sự cố, xe Zin 131 sử dụng 2 lăng A phun nước vào đám cháy. Mỗi lăng A tốn 7 lít/giây, vậy là tròm trèm 420 lít mỗi phút. Hai lăng A hoạt động bình thường tốn 840 lít mỗi phút. Xe Zin 131 chứa 2.400 lít nước, thì chỉ cầm cự được chưa đến 3 phút. Nhiệm vụ của đồng chí Thiện thiết kế xe có két nước chứa 10 khối nước để kéo dài thời gian hơn.

Xe chữa cháy “Made in Việt Nam” vẫn còn sử dụng. Ảnh chụp tại Phòng CS PC&CC quận 8.
Chuyện khó khăn là sử dụng xe nào chở được 10 khối nước và két nước 10 khối sẽ thiết kế ra sao? Thi công ở đâu? Bởi lẽ, đến thời điểm đó thì cả nước không có đơn vị nào sản xuất, đóng mới xe chữa cháy. Đồng chí Thiện liền tức tốc đến Trường Đại học Bách khoa gặp thầy dạy của mình là Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Lê Ninh, Trưởng Bộ môn Cơ khí động lực và các bạn học để nhờ hỗ trợ thiết kế. Sau 8 tháng ròng rã, trong đó có nhiều đêm thức trắng, bản thiết kế cơ bản đã hoàn thiện. Có thể nói, với tính cấp bách như vậy, không một yêu cầu nào của đồng chí Thiện mà cấp trên không xem xét, giải quyết. Cái này vừa là thuận lợi mà lại vừa là khó khăn. Đồng chí Thiện đã chọn chiếc xe Kamaz, một loại phương tiện vận tải siêu trường vào lúc đó để thiết kế thành xe chữa cháy. Qua khảo sát tất cả các phân xưởng, doanh nghiệp sửa chữa ô tô thì chỉ có Xí nghiệp Cơ khí 23-11 đủ khả năng thực hiện. Nhưng, đây là xưởng sửa chữa với công nhân kỹ thuật cao, chứ chưa bao giờ đóng mới hay sản xuất xe ô tô. Đàng này lại là xe ô tô chữa cháy với quá nhiều chi tiết, thiết bị, linh kiện… lạ lẫm. Do vậy, đồng chí Thiện phải ngày đêm “bám” xí nghiệp đó để chỉ đạo các thợ kỹ thuật lắp ráp các chi tiết, theo dõi quá trình thực hiện và báo cáo hàng ngày với lãnh đạo. Hơn nửa năm sau, chiếc xe chữa cháy “Made in Vietnam” hoàn thành.
Đến xe chữa cháy công nghệ cao
Trong quá trình phát triển, thành phố có quá nhiều hẻm nhỏ, sâu… khiến công tác chữa cháy gặp không ít khó khăn. Đáp ứng yêu cầu bức bách đó, Trung tâm thiết bị PCCC 4/10 (sau đây gọi tắt là Trung tâm 4/10) tiến hành nghiên cứu chế tạo xe chữa cháy theo công nghệ mới. Công trình do Thượng tá Nguyễn Minh Đức, nguyên Giám đốc Trung tâm 4/10 thực hiện. Xe chữa cháy phản ứng nhanh công nghệ cao FIREXPRESS - 410 là phương tiện cải tạo từ xe tải nhỏ hiệu Suzuki, lắp đặt máy bơm công nghệ cao hiệu Firexpress của Đan Mạch. Xe có thiết kế gọn, nhẹ với chiều rộng chưa đến 1,5 mét, chiều dài khoảng 2,6 mét. Do vậy, phương tiện này dễ dàng tiếp cận các đám cháy trong hẻm nhỏ. Công nghệ mới của phương tiện là áp dụng hệ thống tạo ra hạt sương cực nhỏ, sử dụng nước rất ít.

Xe chữa cháy do Trung tâm 4/10 thiết kế, sản xuất và lắp đặt được trưng bày tại Triển lãm và Hội nghị quốc tế về kỹ thuật, thiết bị an toàn, bảo vệ, PCCC lần thứ 8 tại Việt Nam (Secutech Vietnam 2015).
Tại thời điểm này, khi công nghệ thông tin phát triển, khoa học kỹ thuật có bước tiến bộ vượt bậc thì các sản phẩm mà Trung tâm 4/10 đã sản xuất vẫn tồn tại và phát huy hiệu quả tích cực. Việc tổ chức triển khai và thực hiện có hiệu quả chương trình đối ngoại và hợp tác quốc tế với tập đoàn ELTROK trong việc xây dựng Trung tâm Cảnh báo cháy tại trụ sở Cảnh sát PC&CC TPHCM. Trung tá Võ Thanh Danh, Giám đốc Trung tâm 4/10, cho biết: “Trung tâm 4/10 đã phối hợp Công ty TNHH Công nghệ thông tin và truyền thông GTEL, thuộc Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật, Bộ Công an sản xuất camera an ninh báo cháy. Với thiết bị cảnh báo cháy được các doanh nghiệp, hộ nhân dân lắp đặt… khi có sự cố, hệ thống báo động phát hiện, truyền tín hiệu về Trung tâm chỉ huy, hình ảnh hiện trường vụ cháy, bản đồ kỹ thuật số, họng nước… tại khu vực cũng hiển hiện trên màn hình”. Không dừng lại ở đó, với mong muốn đáp ứng yêu cầu thường trực, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu hiệu quả của lực lượng CS PC&CC TPHCM, Trung tâm 4/10 đang canh cánh ước mơ thực hiện nhiều dự án khoa học. Đó là quy trình kiểm định thiết bị PCCC, quản lý phương tiện theo công nghệ mới, hệ thống cảnh báo cháy, cảnh báo an ninh…
ĐOÀN HIỆP