Truy tố vợ chồng Đường “Nhuệ” và đồng phạm trong vụ án ăn chặn tiền dịch vụ tang lễ

Sáng 30-6, theo nguồn tin của phóng viên, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình vừa ban hành cáo trạng truy tố Nguyễn Xuân Đường (tức Đường “Nhuệ”), Ninh Đức Lợi, Phạm Văn Úy, Nguyễn Khắc Nin, Bùi Mạnh Tiến về hành vi “Cưỡng đoạt tài sản”; truy tố các đối tượng Quách Việt Cường, Nguyễn Thị Dương (vợ Đường “Nhuệ”) về cùng hành vi trên.

Cáo trạng thể hiện, trong khoảng thời gian từ cuối năm 2017 đến tháng 4-2020, Nguyễn Xuân Đường đã dùng nhiều thủ đoạn đe dọa trực tiếp hoặc gián tiếp để cưỡng đoạt tiền của 25 chủ cơ sở dịch vụ tang lễ trên địa bàn tỉnh Thái Bình. 

Cụ thể, Đường đã lợi dụng danh nghĩa và núp bóng Công ty TNHH Đường Dương do vợ là Nguyễn Thị Dương làm giám đốc để ép buộc các cơ sở dịch vụ tang lễ trên địa bàn tỉnh Thái Bình phải hoạt động và nộp tiền theo yêu cầu của Đường, mặc dù công ty không có chức năng hoạt động trong lĩnh vực hỏa táng, không đầu tư cơ sở vật chất và không được Công ty Hoàng Long ủy quyền. 

Đường tự xưng là chủ tịch Hiệp hội tang lễ Thái Bình, tự ban hành quy chế hoạt động của hiệp hội và hợp đồng nguyên tắc giữa Công ty Đường Dương với các dịch vụ lễ Thái Bình. 

Đường cùng một số đối tượng khác đe dọa, đánh anh Nguyễn Thế Việt để ép đại lý phải dừng hoạt động; cấm các cơ sở dịch vụ tang lễ không được đi hỏa táng tại Nam Định mà phải sang Hải Phòng hỏa táng để gây sức ép với Công ty Hoàng Long. 

Sau khi đại lý của anh Việt phải dừng hoạt động, Đường đã tổ chức các cuộc họp tại khách sạn Dầu khí Thái Bình, tại quán cà phê Cadillac, chửi và đe dọa để ép chủ các cơ sở dịch vụ tang lễ phải ký vào bản hợp đồng nguyên tắc giữa Công ty Đường Dương với các dịch vụ tang lễ Thái Bình.

Chưa dừng lại, Đường ép buộc các chủ dịch vụ tang lễ phải báo ca hỏa táng cho người của Nguyễn Xuân Đường qua số điện thoại 0886241975, phải nộp số tiền 500.000đồng/1 ca hỏa táng. Trong thời gian trên, Đường tiếp tục có hành vi chặn xe tang lễ của cơ sở dịch vụ tang lễ tỉnh Hải Dương, không cho sang địa bàn tỉnh Thái Bình thực hiện hợp đồng tang lễ; phân chia địa bàn cho các cơ sở dịch vụ tang lễ trong tỉnh.

Cơ quan truy tố cho biết, các bị can Ninh Đức Lợi, Phạm Văn Úy, Nguyễn Khắc Nin, Bùi Mạnh Tiến, Quách Việt Cường, Nguyễn Thị Dương có hành vi giúp sức cho Nguyễn Xuân Đường trong từng giai đoạn của quá trình “Cưỡng đoạt tài sản”.

Trong đó Ninh Đức Lợi, Phạm Văn Úy xây dựng những văn bản gồm quy chế hoạt động của hiệp hội tang lễ Thái Bình; hợp đồng nguyên tắc giữa Công ty Đường Dương với các dịch vụ tang lễ Thái Bình rồi đưa cho Nguyễn Thị Dương ký đóng dấu Công ty Đường Dương. Sau đó Đường ép buộc các dịch vụ tang lễ ký vào các bản hợp đồng nguyên tắc trên. 

Bên cạnh đó, Nguyễn Khắc Nin tổ chức cuộc họp tại khách sạn Dầu khí Thái Bình để Nin và Bùi Mạnh Tiến yêu cầu các dịch vụ tang lễ phải báo ca và nộp số tiền 500.000đồng/1 ca cho Công ty Đường Dương. 

Bị can Quách Việt Cường giúp Đường nhận bảo ca và thu tiền báo ca hơn 288 triệu đồng; Ninh Đức Lợi giúp Đường nhận báo ca và thu tiền báo ca gần 2 tỷ đồng; Lương Trung Thái không biết nội dung Đường cưỡng đoạt tiền của các chủ cơ sở dịch vụ nên đã giúp Đường nhận báo ca và thu tiền báo ca hơn 300 triệu đồng.

Số tiền trên, Cường, Lợi, Thái đều giao lại cho Phạm Văn Úy, Úy kiểm đếm và mang về cho Đường. Vợ của Đường giúp Đường ký vào các bản hợp đồng nguyên tắc và quy chế hoạt động với tư cách Giám đốc Công ty Đường Dương; trực tiếp nhận từ Đỗ Văn Nhật (dịch vụ tang lễ Tâm Đức) số tiền 43 triệu đồng; nhận qua Phạm Văn Úy số tiền 64 triệu đồng, sau đó đưa cho Đường. Tổng số tiền Nguyễn Xuân Đường đã chiếm đoạt của 25 người bị hại là hơn 2,4 tỷ đồng.  Số tiền này, Nguyễn Xuân Đường sử dụng để chỉ tiêu cá nhân. 

Trong vụ án này, Nguyễn Xuân Đường là người khởi xướng, chủ mưu, cầm đầu, lợi dụng danh nghĩa và núp bóng công ty do vợ mình làm giám đốc, tự xưng là chủ tịch hiệp hội tang lễ Thái Bình, dùng nhiều thủ đoạn đe dọa, ép buộc 25 chủ cơ sở dịch vụ tang lễ trên địa bàn tỉnh Thái Bình.

Tin cùng chuyên mục