Truyền thuyết về Quán Tiên - Góc nhìn khác về thời chiến

Đã lâu lắm rồi, điện ảnh Việt mới lại ra mắt một bộ phim thuộc đề tài chiến tranh. Dẫu còn những tiếc nuối nhưng điều đáng mừng là bộ phim Truyền thuyết về Quán Tiên không đi theo khuôn mẫu. 

Giữa rừng già Trường Sơn những năm 1966-1967, các đoàn xe được ngụy trang ngày đêm ra trận trong mưa bom lửa đạn, có 3 cô gái được giao nhiệm vụ đặc biệt: thành lập trạm dừng chân để tiếp đón những anh lính lái xe. Nơi ấy, có một hang động được đặt tên Quán Tiên và 3 cô gái Mùi, Phượng, Tuyết Lan được ví như những “cô tiên” mà bất cứ người lính lái xe nào khi dừng chân, dù chỉ 15 phút ngắn ngủi, cũng muốn buông vài lời chọc ghẹo, như một cách để được phép lãng mạn hóa giữa khốc liệt của chiến tranh.

Truyền thuyết về Quán Tiên - Góc nhìn khác về thời chiến ảnh 1
Ba cô gái với 3 số phận, tính cách đối lập nhau. Mùi, cô chị cả chưa kịp “phải hơi” người chồng mới cưới đã vội vã đi B. Tuyết Lan không may mắc chứng cuồng loạn Hysteria (còn được biết đến là căn bệnh thiếu hơi đàn ông) với những triệu trứng co giật. Hình mẫu của nhân vật này cũng hiếm khi được khắc họa trong dòng phim chiến tranh Việt. Cô em út Phượng mang nét hồn nhiên của tuổi trẻ, là nhân vật tạo tiếng cười với những câu nói đùa ngay cả trong những tình huống nghiêm túc.  Sự đa dạng về tính cách khiến họ thu hút khán giả theo những cách khác nhau. Nhưng, tất cả đều ẩn chứa những khao khát yêu, được yêu. 

Câu chuyện chiến tranh trong phim được mềm hóa và trở nên đời hơn. Trong phim, hình ảnh gợi cảm của các cô gái thanh niên xung phong, đặc biệt trong các phân cảnh tắm suối trở thành nét chấm phá không chút dung tục, đầy thi vị giữa rừng già Trường Sơn. 

Dấn thân cho vai diễn với nhiều cảnh quay khó, điều đáng khen ở cả 3 diễn viên Thúy Hằng, Hoàng Mai Anh, Hồ Minh Khuê là đều khá tròn vai, đồng đều về mặt diễn xuất. Đặt trong mối quan hệ với 3 chàng trai Thiệt, Ku Xe và lái xe Quỳnh khiến câu chuyện khá hài hòa. Nhưng, nếu để tạo chiều sâu đến mức ám ảnh, có lẽ họ cần nhiều hơn thế với những đấu tranh dữ dội cả về mặt nội tâm và hành động. 

Chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên của nhà văn Nguyễn Xuân Thiều, trong quá trình thực hiện, đạo diễn 8X Đinh Tuấn Vũ tập trung khá nhiều cho những tiểu tiết. Những người trẻ hôm nay không hẳn ai cũng biết được về căn bệnh Hysteria của Tuyết Lan, hay hình ảnh chiếc võng dù nằm lơ lửng giữa thân cây khổng lồ... Phần đạo cụ cũng được chăm chút khá kỹ lưỡng. Bối cảnh phim, vừa toát lên vẻ hoành tráng của đại ngàn Trường Sơn, đồng thời cũng vẫn đầy chất thơ. Nhạc phim do nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng đảm nhận, theo hé lộ được đầu tư hơn 1 tỷ đồng, trong đó có sự tham gia của dàn nhạc giao hưởng, góp phần chắp cánh cảm xúc người xem.

Tuy nhiên, bộ phim chưa thể thoát ra khỏi những hạn chế của dòng phim về đề tài này. Các cảnh quay cháy nổ, bom đạn với phần kỹ xảo chưa thật sự mượt mà. Sự khốc liệt của thời chiến ở cả trên chiến trường cũng như nơi Quán Tiên kia nếu được thể hiện bằng những chi tiết đắt giá hơn, đào sâu nội tâm và sự dữ dội về tính cách nhân vật, đồng thời tạo nên cái kết chắc nhịp, cảm động, có lẽ sẽ gây ấn tượng mạnh với khán giả trẻ hôm nay.

Tin cùng chuyên mục