Nội dung vụ án lừa đảo ấy không có gì phức tạp. Là kế toán trưởng Công ty TNHH sản xuất – dịch vụ – thương mại Thanh Thy (trụ sở tại quận 7) Trần Quốc Dũng biết công ty vay của Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (tên giao dịch VP Bank) chi nhánh Sài Gòn 100 tỷ đồng nhưng mới chỉ giải ngân một phần. Lợi dụng việc này, Dũng làm giả 2 hồ sơ giải ngân để VP Bank chi nhánh Sài Gòn giải ngân 1,6 tỷ đồng vào tài khoản của Công ty Thanh Thy, nhằm tăng số tiền trong tài khoản lên.
Bước tiếp theo, Dũng lập 12 ủy nhiệm chi giả, chuyển hơn 2,7 tỷ đồng từ tài khoản của Công ty Thanh Thy sang tài khoản của mình, sau đó lập 3 séc rút tiền mặt giả để chiếm đoạt số tiền trên. Tháng 11-2011 vừa qua, TAND TPHCM xét xử sơ thẩm và tuyên phạt Dũng mức án 15 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Tuy nhiên, điều cần rút kinh nghiệm qua vụ án là chính thái độ mất cảnh giác, sơ hở đã khiến Công ty Thanh Thy và VP Bank Sài Gòn đã tự biến mình thành “con mồi” của Dũng. Cụ thể, Ban giám đốc Công ty Thanh Thy quản lý lỏng lẻo, giao con dấu của công ty trong quá trình làm thủ tục chuyển đổi con dấu mới, giao tờ séc do VP Bank chi nhánh Sài Gòn phát hành cho Dũng quản lý. Việc “giao trứng cho ác” này đã tạo kẽ hở cho Dũng có thời cơ thực hiện hành vi phạm tội. Thế nhưng, nếu phía ngân hàng thực hiện đầy đủ chức năng phòng ngừa rủi ro của mình thì thiệt hại khó xảy ra. Hồ sơ vụ án thể hiện một số nhân viên của VP Bank Sài Gòn đã thiếu trách nhiệm trong việc tiếp nhận, giải quyết giao dịch nên không phát hiện Dũng sử dụng chứng từ giả mạo.
Tại cơ quan điều tra, Dũng cũng khai rằng, trước đó thỉnh thoảng nhân viên của VP Bank chi nhánh Sài Gòn liên lạc trực tiếp với Dũng (vì Dũng là kế toán trưởng của Công ty Thanh Thy và phụ trách giao dịch trực tiếp với ngân hàng) hỏi khi nào công ty muốn giải ngân để ngân hàng có kế hoạch chuẩn bị vốn. Từ đó, khi Dũng dùng danh nghĩa công ty đề nghị giải ngân với số tiền rất nhỏ so với số dư hạn mức còn lại thì ngân hàng chỉ làm việc với Dũng và xét duyệt dễ dàng, thủ tục đơn giản, không cần thẩm định, làm hồ sơ lại từ đầu. Tương tự, ngân hàng không hỏi lại ý kiến của Công ty Thanh Thy – chủ tài khoản mà lại chấp nhận chuyển tiền từ tài khoản của công ty sang tài khoản của Dũng.
Trả lời thẩm vấn của hội đồng xét xử, đại diện VP Bank chi nhánh Sài Gòn biện bạch rằng Dũng làm việc với ngân hàng với tư cách người đại diện cho Công ty Thanh Thy chứ không phải tư cách cá nhân nên ngân hàng bị ngộ nhận, Dũng đã lợi dụng niềm tin của ngân hàng để phạm tội. Nhưng câu trả lời đó cũng không thể bao biện được trách nhiệm của ngân hàng; đồng thời đặt ra vấn đề: có cách nào phòng ngừa rủi ro dành cho các cá nhân, doanh nghiệp đặt niềm tin vào ngân hàng, mở tài khoản tại ngân hàng? Đây là bài học chung cho các doanh nghiệp và ngân hàng trong công tác quản lý, hoạt động nghiệp vụ. Đừng để đến khi bị chiếm đoạt tài sản mới giật mình tự trách thì đã muộn.
Ái Chân