Từ chiếc bàn gỗ ở Hà Nội đến thư của Tổng thống Barack Obama

Tối ngày 7-3-2015, sau khi Hội nghị Quảng bá văn học Việt Nam ra thế giới bế mạc, tôi đã mời các nhà thơ Mỹ, Cuba và Colombia, vốn là bạn cũ của tôi vào thăm những người bạn trong nhóm nhân sĩ Hà Đông.
Các nhà thơ của 4 quốc gia soạn thảo bức thư gửi Tổng thống Mỹ
Các nhà thơ của 4 quốc gia soạn thảo bức thư gửi Tổng thống Mỹ
Đó là anh Lê Phương Chung - Giám đốc Công ty Giấy Ngọc Việt, anh Đỗ Văn Hiểu - Giám đốc Công ty Đông dược Phúc Hưng, anh Trịnh Văn Sỹ - Phó trưởng phòng Cảnh sát giao thông Hà Nội, đạo diễn, nhà thơ Lương Tử Đức, nghệ sĩ Chu Lượng - Giám đốc Nhà hát Múa rối Thăng Long và họa sĩ Hoàng A Sáng. Anh Đỗ Văn Hiểu giới thiệu với các nhà thơ nước ngoài về những cây lá Việt Nam đã làm nên những vị thuốc kỳ diệu có tên là Thuốc Nam.

Đó là những cây cỏ, hoa lá quen thuộc với đời sống con người Việt Nam từ ngàn đời nay. Công ty Đông Dược Phúc Hưng mời khách uống nước lá vối và rượu nấu bằng nếp cái hoa vàng, được hạ thổ 15 đến 18 năm. Và trong vali của các nhà văn Mỹ, Cuba, Colombia khi rời Việt Nam đều mang theo nụ vối, rượu nếp cái hoa vàng. Còn anh Lê Phương Chung cùng gia đình anh đã nấu một bữa phở bò truyền thống mời khách. Tôi là một người nghiện phở, khá sành phở nên có thể tuyên bố: Phở bò của gia đình anh Lê Phương Chung thuộc loại xuất sắc của Hà Nội. Nhưng gia đình anh chỉ nấu phở trong những dịp đặc biệt để đãi những người khách đặc biệt.

Buổi tối trong ngôi nhà của anh Lê Phương Chung ở huyện Mỹ Đức, Hà Nội, một sáng kiến được đưa ra là những nhà thơ Việt Nam, Cuba, Mỹ và Colombia có mặt cùng viết một bức thư gửi Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Cuba Raul Castro. Lá thư kêu gọi Chính quyền Mỹ hãy mau chóng phá bỏ lệnh cấm vận Cuba và bình thường hóa quan hệ với đất nước này. Các nhà thơ của bốn dân tộc Việt Nam, Mỹ, Cuba và Colombia có đủ lý do nhất để viết bức thư đó. Bởi giữa các dân tộc này đã từng phải đi qua chiến tranh, đi qua thù địch… nhưng họ đã xóa bỏ thù địch (như Việt Nam và Mỹ). Chính vì điều đó mà các nhà thơ Mỹ muốn nói với mọi người rằng, lá thư này được viết trong một năm đặc biệt ở tại Hà Nội, thủ đô hòa bình. Đó là năm mà Mỹ và Việt Nam kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ và đang ngày càng có những bước tiến quan trọng, đa diện trong quan hệ song phương. Những nhà thơ Việt Nam và Mỹ có mặt trong buổi tối đó chính là những nhân chứng của lịch sử quan hệ giữa hai nước từng là kẻ thù của nhau trong một thời gian khá dài và nhiều máu chảy. Khi các chính trị gia, các ngoại giao của Việt Nam và Mỹ chưa thể đến với nhau, bắt tay nhau, chúc rượu nhau, thì các nhà thơ, nhà văn của hai đất nước này đã làm điều đó. 

Giáo sư ngôn ngữ, nhà thơ Martha Collins - người đã dịch thơ của nhiều nhà thơ Việt Nam ra tiếng Anh và xuất bản tại Mỹ được chọn làm người chấp bút. Anh Lê Phương Chung đã cho nhân viên mở kho và chọn một cuộn giấy loại tốt nhất để các nhà thơ thảo thư. Mọi người thống nhất sẽ viết một bức thư thật ngắn, thật giản dị. Sau đó, lá thư sẽ được gửi tới các văn nghệ sĩ, trí thức và những người yêu hòa bình trên toàn thế giới để xin chữ ký ủng hộ. Trong một khoảnh khắc, tôi nhận thấy rằng, cho dù họ là những giáo sư tên tuổi, những nhà thơ danh giá nhưng những lời mở đầu của bức thư lúc đó lại không dễ dàng. Nó không khó khăn bởi ngôn từ, mà nó khó khăn bởi chính cảm xúc và sự thiêng liêng lúc đó. Có một điều gì đó thật xúc động và thiêng liêng đang tràn ngập ngôi nhà. Tôi nhận ra đó là thi ca với toàn bộ ý nghĩa của nó. Thi ca chân chính không bao giờ có biên giới. Nó vượt lên trên mọi thù hận. Nó phá vỡ các biên giới vô lý và các rào cản phi nhân tính để các dân tộc đến với nhau trong sự tôn trọng cao nhất, trong tình yêu thương chân thành nhất và trong khát vọng chung mãnh liệt về thế gian này. Bức thư thật ngắn, thật súc tích và thật giản dị, nhưng nó chứa trong đó khát vọng lớn nhất về hòa bình, tình bạn và lẽ công bằng. 

Khoảng 9 giờ 30 phút, tối 7-3-2015, bức thư đã được soạn xong bằng tiếng Anh. Nhà thơ, dịch giả Nguyễn Bá Chung dịch bức thư ra tiếng Việt. Dịch giả Phạm Long Quận dịch sang tiếng Tây Ban Nha cho hai nhà thơ nói tiếng Tây Ban Nha là Fernando Rendón (Colombia) và nhà thơ Alex Pausides (Cuba) nghe và góp ý rồi chuẩn hóa bản tiếng Tây Ban Nha. 10 giờ tối, những nhà thơ đầu tiên ký vào bức thư đó là Fernando Rendón, Martha Collin, Alex Paudise, Kevin Bowen, Lary Heineman, Nguyễn Bá Chung, Lương Tử Đức, Fred Marchant, Nguyễn Quang Thiều. Bức thư này sẽ được dịch ra một số thứ tiếng khác và được gửi tới các nhà thơ, nhà văn, trí thức và những người yêu hòa bình trên toàn thế giới. Mỗi người nhận được bức thư này nếu đồng ý ký ủng hộ thì sẽ lại gửi tiếp cho những người khác. Và tôi nghĩ, cho dù bức thư đề cập đến việc bình thường hóa quan hệ giữa Mỹ và Cuba, nhưng nó mang thông điệp chung về hòa bình, hữu nghị và sự công bằng cho mọi con người, mọi dân tộc trên toàn thế giới. Sau khi các nhà thơ, những người soạn thảo bức thư, ký vào bức thư thì những người đầu tiên ký ủng hộ bức thư là các thành viên trong gia đình doanh nhân Lê Phương Chung, doanh nhân Đỗ Văn Hiểu, Thượng tá công an Trịnh Văn Sỹ, nghệ sĩ rối nước Chu Lượng, dịch giả Phạm Long Quận.

Toàn văn bức thư như sau: 
Thư gửi Tổng thống Barack Obama và Chủ tịch Raul Castro
Hà Nội, ngày 7 tháng 3 năm 2015
Là các nhà văn, nhà thơ, và những người có thiện chí, và trong tinh thần của tình bạn bền lâu, chúng tôi, những người ký tên dưới đây, tán thành và khuyến khích phá bỏ các rào cản, cùng việc mở cửa hướng tới sự hợp tác và trao đổi văn hóa giữa các dân tộc. 

Để đạt được mục đích này, chúng tôi hoan nghênh sáng kiến gần đây nhằm tiến tới quan hệ ngoại giao giữa Cuba và Mỹ như là một cơ hội để đem lại hòa bình, hiểu biết và sự tôn trọng lẫn nhau giữa hai quốc gia đã phân cách quá lâu. Chúng tôi biết ơn cả hai chính phủ đã đáp ứng những ích lợi của chính dân tộc họ, và cổ vũ sự phát triển của những trao đổi văn hóa hữu ích như là một bước để tiến tới quan hệ ngoại giao toàn diện.

Chúng tôi kêu gọi tất cả mọi người từ mọi quốc gia xin cùng chúng tôi ký vào bức thư này, một bức thư được viết nhân dịp hai mươi năm thiết lập  quan hệ ngoại giao giữa nước Mỹ và Việt Nam.

(Ký tên)
Martha Collins - Hoa Kỳ, Alex Pausides - Cuba, Nguyễn Quang Thiều, Lương Tử Đức - Việt Nam, Fernando Rendón - Colombia, Fred Marchant - Hoa Kỳ, Larry Heinemann - Hoa Kỳ, Kevin Bowen - Hoa Kỳ, Robert Scanlan - Hoa Kỳ, Nguyen Ba Chung - Hoa Kỳ

Ngày 17-3-2015, sau khi từ Việt Nam trở về Mỹ, nhà thơ Kevin Bowen thay mặt những người soạn thảo bức thư và những người ký ủng hộ bức thư đã gửi cho Tổng thống Barack Obama bức thư chung cùng danh sách những người ký tên ủng hộ. Trong thư của mình, nhà thơ Kevin viết: Chúng tôi hy vọng ngài (Tổng thống) sẽ đặt bức thư này vào trái tim mình và tạo ra sự hỗ trợ cho các hoạt động trao đổi. 

Tám tháng sau, Tổng thống Barack Obama đã gửi thư cho nhà thơ Kevin. Toàn văn bức thư như sau:
Nhà Trắng
Washington
Ngày 13 tháng 11 năm 2015
Gửi Kevin Bowen
Dedham, Massachusetts

Kevin thân mến,
Xin cám ơn ông đã viết thư cho tôi, cách tốt nhất để nâng cao lợi ích và giá trị của quốc gia là thông qua việc tham gia mở cửa chứ không phải là sự cô lập. Đó là lý do tại sao sau nửa thế kỷ, Hoa Kỳ đang thay đổi mối quan hệ với người dân Cuba và đang hướng tới bình thường hóa quan hệ giữa hai dân tộc.

Nhiều thập niên của chính sách cô lập đã thất bại trong việc tạo ra sự thay đổi có ý nghĩa, và bằng cách thực thi một chương trình mới, chính quyền của tôi tái khẳng định cam kết của mình để thúc đẩy sự xuất hiện của một Cuba thịnh vượng hơn là tôn trọng quyền phổ quát của tất cả các công dân của đất nước này. Để đạt được điều đó, Hoa Kỳ đang thực hiện các bước để tăng cường du lịch, thương mại và trao đổi thông tin với Cuba. Chúng tôi cũng thiết lập mối quan hệ ngoại giao với Chính phủ Cuba, bao gồm việc mở Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Havana vào ngày 20 tháng 7 năm 2015. Không có ai đại diện cho những giá trị Mỹ hơn là người dân Mỹ và tôi tin tưởng rằng mối liên hệ này cuối cùng sẽ phục vụ để trao quyền cho những người láng giềng Cuba. 

Một lần nữa cảm ơn thư của ông. Chúng ta phải tạo ra nhiều cơ hội hơn nữa và bắt đầu một chương mới giữa các quốc gia châu Mỹ. Bằng cách lựa chọn để cắt đi cái dây xích của quá khứ, chúng ta có thể  vươn tới một tương lai tươi sáng hơn - cho người Cuba, cho người Mỹ và cho một thế giới mà con cái chúng ta sẽ thừa hưởng. Để tìm hiểu thêm công việc của chúng tôi, xin hãy truy cập vào w.w.w.WhiteHouse.gov.Cuba

Thân mến
Barack Obama

Chiếc bàn của gia đình anh Lê Phương Chung ở Chương Mỹ, Hà Nội - nơi mà các nhà thơ của bốn quốc gia có mối quan hệ với nhau rất đặc biệt trong lịch sử của mình đã soạn thảo bức thư gửi Tổng thống Mỹ và Chủ tịch Cuba - giờ đây đã được chuyển về để trong ngôi nhà của anh Trịnh Văn Sỹ ở làng Đa Sỹ, Hà Đông, Hà Nội bởi có một lý do đặc biệt nữa. Đó là khi các nhà thơ đang soạn thảo bức thư thì cháu nội thứ hai của anh Sỹ ra đời. Các nhà thơ đã viết lời chúc phúc cho cháu trên chính bàn gỗ ấy. Giờ đây, hai bên cạnh bàn đã được anh Trịnh Văn Sỹ khắc tên những người soạn thảo bức thư. Năm 2017, nhà thơ Kevin Bowen, nhà thơ Nguyễn Bá Chung cùng một số nhà thơ Mỹ khác đã trở lại Việt Nam. Họ đến thăm gia đình anh Trịnh Văn Sỹ và lại ngồi bên chiếc bàn gỗ ấy, lại nói những điều tốt đẹp về con người và văn hóa của chúng ta.

Tin cùng chuyên mục