
Đã qua rồi thời dân nghe nhạc chỉ loanh quanh những tiệm đĩa nhạc mấy năm trời mới phát hiện sự trùng lặp đến “nghi ngờ” của “Tình thôi xót xa” của nhạc sĩ B.C. Giờ đây, với công nghệ thông tin và sự phát triển mạnh mẽ của mạng Internet toàn cầu thì dân nghe nhạc phát hiện những hạt sạn tương tự là chuyện rất dễ dàng.
Những câu chuyện “cover” thời hậu Berne

Ngay khi thời điểm Công ước Berne được xác lập tại Việt Nam thì việc ca sĩ tự viết lời Việt hay đặt các nhạc sĩ có tên tuổi (lẫn không tên tuổi) viết lại lời Việt từ nhạc nước ngoài là gần như vẫn là chuyện thường ngày! Đình đám nhất là nhóm M.T. cùng một loạt các bài hát “cover” từ bất kể Hàn, Thái hay Trung Quốc, điển hình như Dấu yêu xưa (cover từ bài You của Lee Jung Hyun), First Love (cover từ ca khúc First Love của Utada Hikaru), Ngóng trông và Ước mơ thành sự thật (cover từ các ca khúc của nhóm China Dolls).
Trào lưu cover lại càng dâng cao lên khi hàng loạt ca sĩ cảm thấy việc cover chính là bước đệm tốt để đẩy bật họ lên hàng vị thứ ngôi sao. Một loạt các tên được liệt vào trường hợp này như ca sĩ N.T.V. với biệt danh Virus không chỉ “sao y không sáng tạo” cách trình bày thiết kế bìa và ảnh tặng kèm từ album của ca sĩ Lee Jung Hyun thành sản phẩm vol.2 của mình, cô còn nhờ một trong những nhạc sĩ tên tuổi là Q.B. viết lời Việt ca khúc Dala Dala của Lee Jung Hyun thành ca khúc chủ đề Bí ẩn vầng trăng cho chính mình.
Dường như Công ước Berne chưa có tác dụng đối với một số ca sĩ Việt Nam.
Những cộng đồng mạng không ít phen cười ra nước mắt với những “cover” chẳng ăn nhập gì với nội dung bản gốc. Đó phải kể đến cô “Công chúa Rexona” B.T. với một loạt các bài hát với lời Việt do chính cô viết gây nội dung phản cảm.
Từ nội dung gốc nói về tình cảm rất chân thành dành cho cha mẹ của bài hát Baba Mama (nhạc hoa – ca sĩ Vương Dung), B.T. cho ra đời một Sorry với nội dung yêu đương đau thương khôn xiết của… nam nữ. Hay sự đầu tư rất nhiều cho vũ đạo của bài Lãng quên trong khi nội dung của bài hát chẳng ăn nhập gì đến với bản gốc Buttons của nhóm Pussycat Dolls.
“Cover” hay “đạo nhạc”?
Hầu như nhiều ca sĩ trẻ thời nay không có khái niệm phân biệt giữa 2 thuật ngữ này. Cover được xem như là hình thức hát lại một bài hát đã do một ca sĩ khác trình bày trước đó và phải được sự cho phép của nhạc sĩ sáng tác hoặc người nắm giữ bản quyền bài hát.
Trong khi đó, “đạo nhạc” xuất hiện dưới nhiều hình thức như ăn cắp giai điệu bài hát hoặc viết lại lời Việt bài hát đó nhưng gắn mác “sáng tác” của mình. Nhiều ca sĩ “xào nấu” các ca khúc quốc tế đem biểu diễn nhan nhản ở các tụ điểm bar, công viên hay trung tâm ca nhạc. Một số ca sĩ còn “mạnh dạn” đưa các ca khúc cover chưa có tác quyền vào những vị trí đinh trong CD của mình và điều lạ chính là các CD này vẫn được duyệt và cấp phép cho phát hành.

Cộng đồng mạng gần đây xôn xao về việc “Công chúa Bong Bóng” B.T. lại tiếp tục cover nhạc nước ngoài và lần này nạn nhân chính là ca sĩ BoA và ca khúc Kiseki của cô. B.T. đã có hẳn một bài phát biểu về ca khúc Bước trong mưa (cover từ bài Kiseki) rằng là cô sẽ mua bản quyền bài hát này trong thời gian sắp tới (trong khi cô đã ghi âm bài hát và đưa lên phương tiện truyền thông phát sóng trước đó khá lâu). Nữ ca sĩ này cũng khẳng định đã trả tiền tác quyền tất cả những ca khúc cô cover trước đây dù chưa thấy cô đưa ra bằng chứng.
Những sự đối phó thiếu trách nhiệm kiểu này gợi cho người ta nhớ đến vụ kiện “lùm xùm” trên mạng về việc ca khúc Em của nhạc sĩ Mr. Siro bị một nhạc sĩ trong nước tên là Thiên An “bê” nguyên xi thành ca khúc Đánh mất của bản thân mình. Ca khúc này được nhóm 2B biểu diễn trên sân khấu. Cùng một câu trả lời như C.T.S., nhóm 2B cũng quy tội dồn hết vào nhạc sĩ Thiên An trong khi theo họ thì “không có cách nào liên lạc với anh để trao đổi về vấn đề”!
Nhạc sĩ và ca sĩ là hai cá thể gần như dính chặt với nhau, kết hợp để cùng tạo ra sản phẩm nghệ thuật có giá trị. Chúng ta vẫn tin tưởng vào sự phát triển từ những sản phẩm lao động nghiêm túc của những ca sĩ thực thụ, nhưng liệu đã có bao nhiêu người yêu nhạc Việt Nam đã nghĩ “nhạc Việt toàn cover từ nhạc quốc tế”, chính bởi những “con sâu” lười lao động đang hoành hành trong “nồi canh” nhạc Việt. Và, một khi các cơ quan chức năng vẫn còn thờ ơ thì người yêu nhạc chỉ biết bó tay! |
Trường Sơn (SGGP-12G)