Từ nay đến cuối tháng 8-2020, sẽ có 50 chuyến bay đưa công dân Việt Nam về nước

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, chuyến bay đón công nhân Việt Nam từ Guinea Xích đạo về nước đang được rốt ráo chuẩn bị, tiếp tục nối dài danh sách các chuyến bay đặc biệt đưa công dân Việt Nam từ khắp nơi trên thế giới về nước tránh dịch Covid-19. Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam (HKVN), đơn vị phối hợp thực hiện các chuyến bay, xung quanh vấn đề này.

PHÓNG VIÊN: Xin ông cho biết, tính đến thời điểm này, đã có bao nhiêu chuyến bay đưa công dân Việt Nam ở nước ngoài về nước tránh dịch Covid-19?

Ông ĐINH VIỆT THẮNG: Đến nay, Cục HKVN đã phối hợp các hãng hàng không tổ chức được hơn 60 chuyến bay đưa gần 16.000 công dân Việt Nam từ gần 50 quốc gia/vùng lãnh thổ về nước tránh dịch. Cục HKVN cũng phối hợp cơ quan đại diện ngoại giao cho phép các hãng hàng không trong nước và nước ngoài chuyển đổi mục đích các chuyến bay chở hàng thành có chở khách để đưa về nước 1.255 công dân bị kẹt tại các sân bay quốc tế, điểm  trung chuyển quốc tế trên thế giới mà không thể nhập cảnh nước sở tại.

Ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam
Để  thực hiện được những chuyến bay đặc biệt, Cục HKVN đã phải phối hợp với các cơ quan, đơn vị khác như thế nào?

Đây không phải lần đầu ngành hàng không thực hiện nhiệm vụ đưa công dân Việt Nam về nước theo chỉ đạo của Chính phủ. Nhưng lần này, ngành hàng không đã thực hiện các chuyến bay rất đặc biệt, trong điều kiện hoàn cảnh hoàn toàn mới, chưa từng có tiền lệ. Chưa bao giờ hàng không Việt Nam có thể triển khai chuyến bay tới nhiều điểm trên thế giới như giai đoạn vừa qua, trong đó có nhiều điểm chưa từng khai thác. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng đã chủ động phối hợp với nhau rất chặt chẽ, vừa triển khai vừa rút kinh nghiệm về quy trình để hoàn thành tốt nhiệm vụ. 

Bên cạnh nỗ lực của Cục HKVN, các hãng hàng không, là sự phối hợp, hỗ trợ hiệu quả của Cục Lãnh sự, các cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài trong công tác xin phép bay và bảo lãnh rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục cấp các giấy phép để thực hiện chuyến bay của phía nước ngoài. Đồng thời, cũng phải nói tới các nỗ lực của các đơn vị của Bộ Quốc phòng trong việc thu xếp các địa điểm cách ly, đón các chuyến bay chở công dân về nước bất kể ngày đêm, góp phần quan trọng cho thành công trọn vẹn của các chuyến bay thời gian qua.

Các chuyến bay đưa công dân về nước có giá vé cao hơn nhiều so với giá vé bình thường. Có hay không việc các hãng hàng không tính toán lợi nhuận để bù đắp những thiệt hại do dịch Covid-19?

Phải khẳng định ngay, các hãng hàng không đều xác định đây là nhiệm vụ chính trị và nhân đạo của ngành nên không đặt mục tiêu lợi nhuận. Hoạt động bán vé hoàn toàn theo danh sách xét duyệt của cơ quan ngoại giao và doanh thu bán vé chỉ bù đắp một phần chi phí trực tiếp thực hiện chuyến bay, không tính đến các chi phí gián tiếp để đáp ứng các yêu cầu về kỹ thuật, kiểm dịch. Có rất nhiều yếu tố làm tăng chi phí các chuyến bay. Ví dụ, số lượng tổ bay tham gia một chuyến bay đưa công dân về nước phải gấp 2 - 3 lần so với chuyến thông thường vì giới hạn thời gian được phép làm việc. 

Toàn bộ tổ bay luân phiên làm nhiệm vụ và nghỉ ngay trên máy bay trong suốt hành trình đi/về do không nhập cảnh tại điểm đến; khi về đến Việt Nam phải cách ly 14 ngày, không được tham gia các chuyến bay nội địa. Cùng đó là việc nhiều chuyến bay từ vùng dịch xác định có hành khách dương tính với virus SARS-CoV-2, song toàn bộ dây chuyền hoạt động của hãng hàng không liên quan đến chuyến bay vẫn luôn sẵn sàng nhận nhiệm vụ dù phải đối mặt với các nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh trực tiếp từ hành khách, đảm bảo tuân thủ tuyệt đối các tiêu chuẩn của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) về an toàn, an ninh. 

Hiện vẫn còn rất nhiều đồng bào ta ở nước ngoài có nguyện vọng về nước trong dịp này nhưng chưa thể đáp ứng. Ông có thể giải thích rõ hơn về vấn đề này?

Chúng ta chưa thể đáp ứng hết nhu cầu của người dân trong thời điểm hiện nay. Nguyên nhân là số lượng người dân có nhu cầu quá lớn, trong khi năng lực tổ chức các chuyến bay, tiếp nhận của các khu vực cách ly trong nước còn hạn chế. Các cơ quan liên quan đã phải ưu tiên cho các trường hợp người dân có hoàn cảnh khó khăn, người già, trẻ em, người có bệnh nền, học sinh, sinh viên gặp khó khăn về chỗ ở khi các trường đóng cửa ký túc xá... được về nước trước. Các trường hợp còn lại sẽ tiếp tục được các cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam tại nước ngoài cập nhật danh sách, báo cáo Bộ Ngoại giao để tiếp tục phối hợp các bộ: GTVT, Quốc phòng, Y tế... xây dựng kế hoạch tổ chức các chuyến bay phù hợp trong thời gian tới.

Sắp tới, còn bao nhiêu chuyến bay đưa công dân về nước? Ngành hàng không đã có sự chuẩn bị như thế nào nếu dịch Covid-19 còn tiếp tục kéo dài, thưa ông?

Từ nay đến hết tháng 8, ngành hàng không sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan ngoại giao, quân đội thực hiện thêm hơn 50 chuyến bay về nước, hơn 13.000 công dân sẽ có cơ hội được hồi hương. Dịch Covid-19 còn đang diễn biến phức tạp trên thế giới nhưng ngành HKVN vẫn đang có những nỗ lực để khôi phục hoạt động. 

Với việc hoạt động vận chuyển hàng không nội địa đã dần ổn định như giai đoạn trước dịch, trên cơ sở chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngành HKVN đã báo cáo Bộ GTVT xây dựng phương án khôi phục từng bước hoạt động vận chuyển hành khách quốc tế thường lệ đến Việt Nam trên nguyên tắc: lựa chọn các đối tác được đánh giá là hiệu quả trong kiểm soát dịch Covid-19 tại cộng đồng; giới hạn tần suất khai thác hàng tuần trong giai đoạn đầu ở mức tối thiểu để đảm bảo năng lực cách ly trong nước, cũng như tuân thủ tuyệt đối các yêu cầu về kiểm soát dịch bệnh từ bên ngoài theo hướng dẫn của cơ quan quản lý y tế.

Tin cùng chuyên mục