Tư vấn tâm lý học đường bị xem nhẹ

Đội ngũ nhân lực thiếu, trình độ chuyên môn chưa phù hợp, chất lượng tư vấn mỗi nơi một kiểu…, những bất cập này khiến công tác tư vấn tâm lý cho học sinh sau hơn 20 năm thực hiện ở các trường phổ thông trên địa bàn TPHCM vẫn chưa đạt hiệu quả như mong đợi. Vậy đâu là giải pháp?
Chưa quy định chức danh giáo viên tâm lý
Trường THPT Marie Curie (quận 3) năm học 2017-2018 có gần 5.000 học sinh. Cán bộ tư vấn tâm lý tại đây, Th.S Phạm Thị Bích Phượng cho biết, trường có 2 biên chế giáo viên tâm lý nhưng năm học này một cô xin nghỉ thai sản.
“Mỗi năm học có khoảng 400 - 450 lượt học sinh có nhu cầu tư vấn tâm lý và hướng nghiệp. Chưa kể các trường hợp đột xuất như học sinh mới chuyển trường, gặp khó khăn về kinh tế gia đình, trầm cảm tạm thời từ áp lực thi cử… Khối lượng công việc ngày càng nhiều nhưng dồn hết lên một người nên quá tải”, cô Phượng bày tỏ.
Để giải quyết khó khăn đó, nhà trường đã tận dụng tối đa đội ngũ cộng tác viên tình nguyện, tiếp nhận sinh viên chuyên ngành tâm lý đến thực tập, kiến tập tại đơn vị. 
Còn tại một trường THPT ở quận Tân Phú, cán bộ phụ trách tư vấn tâm lý ở đây than thở, ngoài việc trực góc tư vấn, cô phải kiêm nhiệm thêm trực giám thị và một số việc văn phòng khác, vì trường không có biên chế riêng cho nhiệm vụ tư vấn tâm lý học sinh.  
Tư vấn tâm lý học đường bị xem nhẹ ảnh 1 Tư vấn hướng nghiệp cho học sinh tại Trường THPT Gia Định (TPHCM). Ảnh: DIỄM NGUYỄN
Một thống kê nêu ra tại hội thảo “Phát triển mô hình tham vấn học đường ở trường phổ thông” do Trường Đại học Sư phạm TPHCM tổ chức mới đây cho thấy, trong năm học 2015-2016, TPHCM có hơn 900 trường tiểu học, THCS và THPT công lập. Tuy các trường đều thực hiện chương trình tham vấn học đường nhưng chỉ có chưa tới 120 giáo viên đúng chuyên ngành làm công tác này, tập trung ở bậc THPT.
Lý giải thực tế này, TS Nguyễn Thị Bích Hồng, giảng viên Khoa Tâm lý giáo dục (Trường Đại học Sư phạm TPHCM), cho biết năm học 2012-2013, Sở GD-ĐT TPHCM có Quyết định số 1090 ban hành quy định tạm thời về tổ chức và hoạt động công tác tư vấn trường học.
Chỉ sau vài năm thực hiện, văn bản này đã bị Bộ GD-ĐT “tuýt còi” vì bộ chưa có quy định chức danh giáo viên tâm lý trong trường học. Kể từ đó, theo ví von của GS-TS Đoàn Văn Điều, Phó Trưởng khoa Tâm lý giáo dục (Trường Đại học Sư phạm TPHCM): “Giáo viên tư vấn tâm lý phải làm việc thật nhưng giống như đi làm lậu vì không được quy định mã chức danh nghề nghiệp, không thống nhất tên gọi như giáo viên tư vấn, nhân viên tham vấn hay cán bộ tâm lý trường học”. 
Theo tìm hiểu của chúng tôi, tại các trường phổ thông trên địa bàn TPHCM, đội ngũ này được chia làm hai loại. Chỉ một số ít trường có điều kiện, quan tâm công tác tư vấn tuyển hẳn giáo viên chuyên trách, tốt nghiệp các chuyên ngành tâm lý học, công tác xã hội…
Còn lại, hầu hết trường sử dụng đội ngũ giáo viên kiêm nhiệm như giáo viên bộ môn giáo dục công dân, giám thị, trợ lý công tác thanh niên, thậm chí nhân viên thủ thư. 
Cần đầu tư hoạt động bài bản
Hiện nay, tại nhiều nước phát triển trên thế giới, tư vấn tâm lý là một trong những tiêu chuẩn đánh giá chất lượng đào tạo của trường học, do các hiệp hội, tổ chức thuộc cơ quan quản lý nhà nước đứng ra điều hành và quản lý. Trong đó, trình độ cán bộ, giáo viên làm công tác tư vấn phải tương đương bằng thạc sĩ trở lên, được hưởng chế độ, chính sách cao hơn giáo viên đứng lớp.  
Sự bất ổn tâm lý ở lứa tuổi học sinh của Việt Nam đang diễn biến theo chiều hướng xấu và ngày càng nghiêm trọng; nhiều trường hợp nguy cơ cao về rối loạn hành vi, tự tử, trầm cảm... cần được can thiệp kịp thời để tránh nguy cơ đáng tiếc. Do vậy, các trường kiến nghị Bộ GD-ĐT sớm ban hành quy định chung về vị trí, chức năng phòng tư vấn; có văn bản hướng dẫn khung chương trình tư vấn tổng thể dành cho tất cả giáo viên làm công tác tư vấn ở trường học.
Song song đó, tùy vào điều kiện thực tế, mỗi tỉnh, thành phố có thể thiết kế thêm hệ thống chuyên đề mềm, có độ mở nhất định để bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ giáo viên tại đơn vị. Ngoài ra, nhân lực làm công tác tư vấn tâm lý tại trường học hiện nay khá đa dạng về chuyên ngành đào tạo nên cần hình thức sinh hoạt chuyên môn theo cụm trường, nhằm giúp giáo viên có cơ hội học tập, chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ nhau trong công tác một cách kịp thời.
Đặc biệt, theo PGS-TS Trần Thị Lệ Thu, Trưởng bộ môn Tâm lý học ứng dụng (Khoa Tâm lý giáo dục - Trường Đại học Sư phạm Hà Nội), để hoạt động tư vấn tâm lý tại trường học đạt hiệu quả, cơ quan chủ quản nên nghiên cứu, quy định cụ thể các hình thức giám sát chuyên môn như đồng đẳng (giáo viên tư vấn trường này giám sát giáo viên ở trường khác), giám sát bậc cao (mời chuyên gia, nhà nghiên cứu lâu năm trong và ngoài nước) để đảm bảo hành lang đạo đức nghề nghiệp cho công tác tư vấn tâm lý. 
Trong một hội thảo cấp quốc gia về xây dựng mô hình tư vấn tâm lý, Bộ GD-ĐT công bố kết quả khảo sát tại nhiều tỉnh, thành phố như Hà Nội, TPHCM, Hải Dương, Khánh Hòa…, cho thấy có trên 90% học sinh đang gặp khó khăn, vướng mắc về tâm lý. Trong đó, học sinh THPT là lứa tuổi cần được tư vấn và can thiệp nhiều nhất. Một kết quả khảo sát trên 1.000 học sinh THCS nội thành TPHCM của nhóm nghiên cứu Trường Đại học Sư phạm TPHCM cũng cho thấy, có 84,3% học sinh có dấu hiệu hủy hoại bản thân. Trong đó, 44,6% học sinh cảm thấy mệt mỏi chán nản và 41,1% học sinh có suy nghĩ bi quan về cuộc sống.

Tin cùng chuyên mục