UBND tỉnh Quảng Ngãi gặp gỡ người dân bị ảnh hưởng bởi khu xử lý chất thải rắn Nghĩa Kỳ

Sáng 18-8, UBND tỉnh Quảng Ngãi tổ chức buổi gặp gỡ người dân xã Nghĩa Kỳ (huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi) đang sinh sống trong phạm vi ảnh hưởng bởi khu xử lý chất thải rắn Nghĩa Kỳ để giải đáp các thắc mắc của người dân.
UBND tỉnh Quảng Ngãi gặp gỡ người dân bị ảnh hưởng bởi khu xử lý chất thải rắn Nghĩa Kỳ
UBND tỉnh Quảng Ngãi gặp gỡ người dân bị ảnh hưởng bởi khu xử lý chất thải rắn Nghĩa Kỳ

Ông Nguyễn Tăng Bính, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, cho biết khu xử lý chất thải rắn Nghĩa Kỳ ban đầu là bãi rác Nghĩa Kỳ, được hình thành từ năm 1996 với quy mô diện tích 5,5ha để chôn lấp rác thải sinh hoạt phát sinh trên địa bàn thị xã Quảng Ngãi cũ.

Năm 2008-2018 thực hiện Dự án cải thiện môi trường đô thị Miền Trung-Tiểu dự án Quảng Ngãi, UBND tỉnh đã đầu tư xây dựng bãi chôn lấp mới hợp vệ sinh trên quy mô diện tích 7,56ha, với đủ các hệ thống chôn lấp, thu gom, trạm bơm… phục vụ chôn lấp rác thải sinh hoạt cho địa bàn TP Quảng Ngãi và các huyện Tư Nghĩa, Nghĩa Hành.

Từ tháng 3-2018 đến tháng 7-2018, khi các hố chôn lấp thuộc Dự án cải thiện môi trường đô thị Miền Trung đã được lấp đầy nhưng Dự án Nhà máy xử lý rác  sinh hoạt do Công ty CP Đầu tư và Phát triển xây dựng Miền Bắc làm chủ đầu tư vẫn chưa hoàn thành và đưa vào sử dụng nên khối lượng rác sinh hoạt phát sinh hằng ngày trên địa bàn TP Quảng Ngãi và các huyện Tư Nghĩa, Nghĩa Hành đã được xử lý chôn lấp tạm tại các hố chôn lấp tro xi của Nhà máy.

Tuy nhiên việc chôn lấp tạm đã không xử lý được mùi hôi triệt để, cùng với đó là ô nhiễm do hệ quả từ các hố chôn lấp của bãi rác Nghĩa Kỳ cũ trước đây không xử lý hợp vệ sinh đã xảy ra sự cố về môi trường, nhất là mùi hôi và nước rỉ rác. Điều này đã gây ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống người dân; đồng thời cũng gây khó khăn trong việc xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn TP Quảng Ngãi và một số huyện lân cận.

Trước tình trạng này, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã chỉ đạo thực hiện việc cần thiết là phải di dời dân ra khỏi khu vực ảnh hưởng. Trong đó, bồi thường, hỗ trợ để di dời ngay 4 hộ dân của xã Nghĩa Kỳ đang sinh sống trong phạm vi bán kính 500m xung quanh khu xử lý chất thải rắn Nghĩa Kỳ vào khu tái định cư vào cuối tháng 12-2020.

Lộ trình di dời các hộ dân có nhà ở trong phạm vi bán kính từ 500m đến 1.000m xung quanh khu xử lý chất thải rắn Nghĩa Kỳ, mục tiêu phải hoàn thành vào năm 2023, đảm bảo sắp xếp bố trí, tái định cư cho người dân về nơi ở mới phải bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ. 

Tham dự buổi gặp mặt có rất nhiều người dân xã Nghĩa Kỳ và xã Nghĩa Điền, huyện Tư Nghĩa, tham gia ý kiến. Người dân ý kiến xoay quanh 2 vấn đề; Thứ nhất là giải pháp để giải quyết ô nhiễm mùi hôi, thối cho những người chưa được di dời theo lộ trình của UBND tỉnh; Thứ hai là giải quyết tái định cư, đền bù chỗ ở cho các hộ bị ảnh hưởng.
Ông Trần Bình Minh (xã Nghĩa Kỳ) nói: “Tình hình ô nhiễm bãi rác ở đây kéo dài. Nếu cứ tiếp tục như thế này thì không sống được. Ngoài các hộ dân được di dời trong năm 2020 thì những hộ dân khác trong khi chờ đợi vẫn sẽ phải sống ở khu vực bị ảnh hưởng. Vậy nhà máy phải làm thế nào để đảm bảo hạn chế ô nhiễm môi trường”.

Bà Phan Thị Hiển (xã Nghĩa Kỳ) đang sống cùng cha mẹ, thắc mắc: “Do không có tiền nên gia đình tôi không tách hộ khẩu, làm sổ đỏ, chia đất đai. Vậy khi di dời dân thì  ngoài hộ chính chúng tôi có được cấp đất cho hộ phụ hay không?".

UBND tỉnh Quảng Ngãi gặp gỡ người dân bị ảnh hưởng bởi khu xử lý chất thải rắn Nghĩa Kỳ ảnh 1 Người dân có ý kiến về vấn đề ô nhiễm môi trường và tái định cư đối với hộ dân bị ảnh hưởng trong bán kính 500-1.000m. Ảnh: NGUYỄN TRANG
Ông Đỗ Minh Hải, Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Quảng Ngãi, cho biết: Các chính sách bồi thường, tái định cư từ chân bãi rác đến bán kính 500m thì có 4 hộ nhưng theo ý kiến người dân thì sẽ tiến hành rà soát giao cho UBND xã Nghĩa Kỳ, UBND huyện Tư Nghĩa kiểm tra để hoàn thành việc di dời toàn bộ hộ dân trong bán kính 500m đến cuối năm 2020. Đồng  thời, thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng theo đúng chính sách, quy định của Nhà nước. Đối với một số hộ có nhiều thế hệ cùng sống trên thửa đất thì ngoài hộ chính thì hộ phụ cũng được tái định cư. Trong khu tái định cư có nhiều diện tích, kích cỡ các lô phù hợp với các hộ chính, hộ phụ.  

Trong khi đó, ông Nguyễn Tăng Bính, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, cho biết: “Từ đầu năm 2021 thì Nhà máy sẽ đầu tư hoàn chỉnh các lò đốt. Bây giờ chở rác vào không thể đốt hết mà chỉ đốt 50%, trong nhà máy có hố phụ chôn lấp nhưng chôn lấp phải có lót chống thấm, nước rỉ ra từ rác sẽ qua khu xử lý để xử lý trước khi thải ra môi trường”.

Ông Nguyễn Tăng Bính cũng chia sẻ rằng tỉnh Quảng Ngãi đã có thiếu sót để bà con sống trong môi trường bị ô nhiễm quá lâu, do vậy, tỉnh đã bàn các chính sách để ổn định đời sống người dân, đồng thời khu xử lý chất thải rắn Nghĩa Kỳ trở thành khu riêng biệt xử lý.

Ông Bính cũng cho biết, việc xử lý rác cũ chôn lấp từ năm 1996 đã có biện pháp để xử lý giảm mùi hôi. Trong quá trình thử nghiệm đã đo phương gió để hạn chế phát tán vào khu dân cư, quy trình xử lý hố chôn lấp nghiêm ngặt.

Đối với chọn khu tái định cư sẽ tham vấn ý kiến người dân để người dân có lựa chọn thuận tiện vừa đất ở, vừa tiện đến nơi sản xuất, canh tác cũ.

Ông Bính nói: “Tôi cam kết bà con sẽ thể chế thành văn bản gửi đến bà con, mong bà con thông cảm và tạo điều kiện để bãi rác đi vào hoạt động sau 20-8”.

Tin cùng chuyên mục