Ứng dụng công nghệ phòng chống Covid-19

Dịch Covid-19 đang tấn công vào các nhà máy, khu nhà trọ công nhân (CN) ở tỉnh Bình Dương với trên dưới 500 ca mắc mỗi ngày. Với hơn 1 triệu CN đang làm việc, sinh hoạt, công tác truy vết không hề dễ dàng. Trong lúc nguồn nhân lực chuyên môn còn mỏng, việc ứng dụng công nghệ vào phòng chống dịch trở thành công cụ quan trọng để góp phần hạn chế, đẩy lùi dịch bệnh. 

UBND tỉnh Bình Dương vừa ban hành văn bản yêu cầu đẩy mạnh triển khai việc quét mã QR để quản lý thông tin người ra vào cơ quan, tổ chức, cơ sở, địa điểm phục vụ phòng chống dịch bệnh với tinh thần “chuyển từ phòng ngừa sang tấn công Covid-19 bằng công nghệ”.

Theo đó, việc triển khai quản lý thông tin dựa trên ứng dụng khai báo y tế (KBYT) và phát hiện tiếp xúc gần phục vụ phòng chống dịch; trong đó, tập trung quản lý người ra vào địa điểm công cộng, nơi tập trung đông người và sử dụng mã QR là giải pháp rất quan trọng hỗ trợ truy vết. Các đơn vị, địa phương “đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà”, bảo đảm tất cả đối tượng trên địa bàn đều triển khai việc quét mã QR quản lý thông tin ra vào.

Theo Sở TT-TT tỉnh Bình Dương, các ứng dụng công nghệ thông tin là một trong những công cụ quan trọng trong phòng chống dịch Covid-19, nhất là ở thời điểm số người mắc tăng nhanh, cần truy vết hàng ngàn trường hợp tiếp xúc gần, địa điểm và phương tiện di chuyển…

Tỉnh triển khai ứng dụng công nghệ phòng dịch với các nhiệm vụ: hỗ trợ ngành y tế quản lý dữ liệu lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 trong cộng đồng, quản lý thông tin CN trong và ngoài KCN, hỗ trợ truy vết nhanh trường hợp F0, cài đặt Bluezone và KBYT bằng QR code tại các địa điểm khai báo theo quy định, đưa vào hoạt động bản đồ thông tin dịch tễ, lắp hệ thống camera quan sát, theo dõi ở khu cách ly tập trung.

Đặc biệt, những ngày qua, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, việc triển khai cài đặt Bluezone và KBYT bằng QR code tại công sở, bệnh viện, trường học, siêu thị, chợ truyền thống… trở thành yêu cầu cấp bách, vừa hình thành thói quen tốt của người dân vừa giảm áp lực cho ngành chức năng.  

Riêng việc KBYT bắt buộc với khách xuất nhập cảnh, đến hoặc đi qua các quốc gia đang có dịch, có thể thực hiện trên ứng dụng VietNam Health Declaration hoặc trên trang thông tin điện tử https://tokhaiyte.vn. Đối với ứng dụng quản lý tờ khai y tế tự nguyện Ncovi,  hàng ngày người dân cần cập nhật tình hình sức khỏe của bản thân qua việc KBYT tự nguyện, giúp cơ quan chức năng phát hiện sớm các nguy cơ lây nhiễm và kịp thời có biện pháp hỗ trợ. 

Các ứng dụng công nghệ trong phòng chống dịch Covid-19 đang được ngành chức năng hoàn thiện về các tính năng, độ chính xác, nhất là hiệu quả truy vết và “trả”dữ liệu tự động. Hiện tỉnh đang lấy mẫu tầm soát cộng đồng và xét nghiệm sàng lọc diện rộng Covid-19 bằng phương pháp RT-PCR cho người dân các địa bàn có nguy cơ cao, vì vậy việc nâng cấp phần mềm hỗ trợ nhập và quản lý số lượng dữ liệu lớn đang được thực hiện.

Ban quản lý các KCN Bình Dương phối hợp với Sở TT-TT triển khai thí điểm phần mềm hỗ trợ truy vết Covid-19 ở 10 DN có từ 1.000-10.000 lao động tại đường dẫn https://qlcn.binhduong.gov.vn. Phần mềm giúp ngành chức năng quản lý người lao động từng DN theo các dữ liệu chính như: nơi ở, nơi làm việc, lịch trình di chuyển, phương tiện đưa đón, người ở cùng… Công cụ này cũng áp dụng theo tinh thần vừa triển khai vừa hoàn thiện, hiện đã mở rộng áp dụng với ngành LĐTB-XH và các địa phương để hỗ trợ truy vết phòng chống dịch đối với các DN ngoài KCN.

Mới đây, Cục Tin học hóa, Bộ TT-TT vừa có buổi làm việc với Sở TT-TT Bình Dương về việc nâng cấp ứng dụng Bluezone. Theo đó, các dữ liệu người dùng cập nhật được quét liên tục để cảnh báo tiếp xúc gần và khi cần có thể xuất dữ liệu ngay, hỗ trợ công tác chuyên môn nhanh chóng hơn.

Tin cùng chuyên mục